Ăn uống, sinh hoạt thế nào giúp gan khỏe

31/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Gan Mật Tụy Sức Khỏe Tiêu Hóa
Ăn uống, sinh hoạt thế nào giúp gan khỏe

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng như giải độc, tổng hợp và xử lý các chất dinh dưỡng thông qua hoạt động chuyển hóa. Gan còn là nơi tạo và lưu trữ dịch mật giúp hấp thu, tiêu hóa chất béo, lưu trữ glycogen (nguồn năng lượng dự trữ), đồng thời tạo các yếu tố đông máu cho cơ thể.

Gan có thể tự phục hồi, tái tạo lại các tế bào bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu xảy ra tổn thương như viêm gan cấp hay mạn do rượu, virus, thuốc, xơ gan... quá trình phục hồi chậm khiến gan suy giảm chức năng hoạt động, ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Oanh, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Phòng khám Tâm Anh Quận 7, gợi ý một số cách góp phần giảm gánh nặng cho gan, hỗ trợ cơ quan này phục hồi tổn thương, phòng gan nhiễm mỡ, viêm gan, tốt cho sức khỏe.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống cần cân bằng các nhóm dưỡng chất thiết yếu như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Lựa chọn món ăn có lợi cho gan như đạm từ thịt trắng như gà, vịt, cá, đậu nành, đậu xanh, đậu đen. Ưu tiên sử dụng gạo lứt, rau xanh, trái cây tươi, bắp cải, bó xôi, súp lơ, rau cần, cà chua, dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè, dầu đậu phộng... Đảm bảo lượng chất xơ bổ sung 20-25 g mỗi ngày.

Tránh uống bia rượu, không hút thuốc lá. Hạn chế chất béo từ mỡ, da, nội tạng động vật, thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như xúc xích, thịt xông khói, khoai tây chiên... Theo bác sĩ Oanh, ăn uống điều độ, khoa học hỗ trợ kiểm soát cân nặng, giúp gan hoạt động khỏe mạnh hơn. Người thừa cân, béo phì nếu giảm cân hợp lý, duy trì trọng lượng lý tưởng, giảm 10% cân nặng cải thiện rõ men gan và gan nhiễm mỡ.

Bác sĩ Oanh khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phòng khám Tâm Anh Quận 7

Duy trì luyện tập

Tùy theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe, mỗi người có thể chọn lựa môn thể thao phù hợp như bơi, đi bộ nhanh, chạy bộ, xe đạp, cầu lông, tập gym. Duy trì tập luyện 30-60 phút mỗi ngày để đốt cháy các năng lượng tạo ra từ mỡ, đường thừa... tránh tích tụ mỡ tại gan.

Ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng dễ ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ và hệ tiêu hóa. Gan hoạt động trong khoảng 3h-5h, lúc cơ thể nghỉ ngơi. Nếu ngủ không đủ giấc, quá trình này bị gián đoạn, gây ra các vấn đề cho gan và cơ thể. Bác sĩ Oanh khuyên mỗi người nên duy trì chất lượng giấc ngủ tốt, tinh thần thoải mái nhằm tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe tổng thể.

Không tự ý sử dụng thuốc

Người bệnh nên đi khám và uống thuốc theo chỉ định, tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc giảm cân. Với thuốc kháng lao, kháng sinh chuyển hóa ở gan, hạ mỡ máu, tránh thai... nếu người bệnh cần sử dụng nên kiểm tra chức năng gan định kỳ. Tuyệt đối không tự ý mua và uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Oanh khuyến cáo mọi người nên khám sức khỏe định kỳ, giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ gây tổn thương gan để kịp thời can thiệp. Các bệnh lý về gan được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm, tỷ lệ khỏi bệnh cao, hạn chế biến chứng.

Quyên Phan

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật