Ba cách điều trị nang dây thanh quản

30/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Họng - Thanh Quản Sức Khỏe Tai Mũi Họng
Ba cách điều trị nang dây thanh quản

Nang dây thanh quản là tình trạng lành tính, không phải ung thư, không có khả năng tiến triển thành ung thư. Bệnh thường xảy ra ở người nói quá nhiều. Các nguyên nhân khác bao gồm mô hạt viêm vùng thanh quản, khối u trên dây thanh quản, trào ngược họng thanh quản. Triệu chứng chính là khàn giọng do dây thanh quản đóng lại bất thường hoặc rung động không đều, mức độ ảnh hưởng tùy vào vị trí và khối lượng u nang trong dây thanh quản.

ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết u nang dây thanh thường được điều trị bằng cách phẫu thuật cắt bỏ u hoàn toàn.

Điều trị nội khoa là bước đầu trong điều trị nang dây thanh, với mục đích giảm viêm, phù nề xung quanh. Người bệnh thường được khuyến nghị hạn chế nói trong hai tuần kết hợp sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm corticosteroid đường uống hay dạng dung dịch xịt họng thanh quản.

Bác sĩ Hằng tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Mổ nội soi vi phẫu dây thanh là phương pháp mổ ít xâm lấn, không cần khâu vết thương nên rút ngắn thời gian hồi phục, theo bác sĩ Hằng. Phẫu thuật được thực hiện qua đường miệng, bác sĩ đưa dụng cụ nhỏ để mở rộng miệng, sau đó đưa ống soi treo để quan sát đầy đủ hình thể dây thanh. Các dụng cụ vi phẫu cắt các tổn thương dây thanh và cầm máu tại chỗ.

Bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng đông máu cũng như số lượng tế bào máu, xác định nguy cơ chảy máu trong và sau mổ. Trong vòng một tuần trước phẫu thuật, người bệnh không dùng bất kỳ loại thuốc nào ảnh hưởng đến quá trình đông máu như ibuprofen hay aspirin. Đêm trước khi phẫu thuật, người bệnh không ăn hay uống gì, chỉ uống ít nước.

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể đau họng nhẹ, khoảng 2-3 ngày. Nên hạn chế nói tối đa trong một tuần sau mổ, tránh la hét, tằng hắng nhiều. Ăn đúng bữa, không ăn khuya, duy trì uống thuốc dạ dày để phòng ngừa trào ngược. Thời gian hồi phục sau mổ khoảng 2-3 tuần. Người bệnh cũng cần tránh các hoạt động chạy nhảy trong một tuần sau mổ.

Liệu pháp giọng nói hỗ trợ quá trình chữa lành và phòng tránh chấn thương dây thanh quản trong tương lai. Bác sĩ trị liệu ngôn ngữ hướng dẫn trẻ em và người lớn thực hiện các bài tập thanh quản để cải thiện hơi thở, giảm căng thẳng ở cổ họng, tìm cường độ, cao độ và âm sắc tối ưu để giọng nói khỏe mạnh. Liệu pháp này thường áp dụng trong quá trình phục hồi giọng nói.

Đức Trí

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật