Ngày 28/6, Quốc hội thảo luận dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Điều 49 dự thảo nêu quy định về công bố quy hoạch. Theo đó, chậm nhất là 15 ngày từ khi quy hoạch đô thị và nông thôn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, toàn bộ nội dung phải được công bố công khai, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Việc công bố quy hoạch được thực hiện bằng cách đăng tải thường xuyên, liên tục trên cổng thông tin điện tử, cổng thông tin quy hoạch quốc gia; phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, chính quyền, cơ quan lập quy hoạch có thể trưng bày mô hình, hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch đô thị và nông thôn; tổ chức hội nghị, hội thảo; phát hành ấn phẩm để công khai nội dung về quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương) cho biết hiện nay, một số địa phương chấp hành nghiêm túc và đăng tải đầy đủ trên cổng thông tin điện tử các quyết định phê duyệt quy hoạch, bản đồ, thuyết minh đi kèm, kể cả các lần điều chỉnh.
Tuy nhiên, nhiều nơi có tình trạng đăng tải chưa đầy đủ như chỉ đăng tải thông tin quyết định mà không có bản đồ hoặc chỉ đăng bản đồ mà không có thuyết minh, không có thông tin về các lần điều chỉnh, gây khó khăn cho tổ chức và người dân muốn tra cứu.
Bên cạnh đó, bà Xuân cũng chỉ ra việc đăng tải quy hoạch chủ yếu với dạng PDF hoặc hình ảnh. "Có trường hợp các bản chụp dung lượng thấp, độ phân giải kém nên người truy cập không thể xem được các thông tin cần thiết trong quy hoạch", bà Xuân nói.
Đại biểu tỉnh Bình Dương kiến nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung, tiêu chí công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử, cần thiết đăng tải đầy đủ các quyết định, bản đồ thuyết minh của các đồ án quy hoạch mới cũng như điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều chỉnh cục bộ. Bản chụp phải rõ ràng, độ phân giải phù hợp, thể hiện rõ nét các thông tin trong bản đồ quy hoạch.
Bà cũng đề nghị nghiên cứu cơ chế xã hội hóa các dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch. "Các đơn vị có thể phát triển ứng dụng, công cụ tìm kiếm nhanh quy hoạch, so sánh giữa các quy hoạch, các dự án, các thửa đất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp", nữ đại biểu gợi ý.
Đại biểu Triệu Thị Huyền. Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Triệu Thị Huyền (Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái) nói dự luật có quy định công bố quy hoạch được thực hiện theo hình thức trưng bày mô hình nhưng không bắt buộc. Theo bà nội dung này là không cần thiết, cơ quan soạn thảo chỉ nên tập trung vào các thông tin chính của quy hoạch và yêu cầu đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử.
Cùng với đó, bà đề nghị bổ sung cơ chế xã hội hóa các dịch vụ cung cấp thông tin về quy hoạch để phù hợp với nhu cầu của tổ chức, cá nhân và xu thế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Theo bà, nhiều địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp cận thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang hoạt động thực tế rất hiệu quả.
"Việc tiếp cận cũng rất đơn giản, thuận lợi thông qua bản đồ quy hoạch số và được người dân cũng như doanh nghiệp hết sức đồng tình và ủng hộ", đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) nói thông tin quy hoạch sau khi được phê duyệt là nội dung được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua, các địa phương thực hiện khác nhau và còn nhiều bất cập như đăng tải không đầy đủ, không chi tiết, có bản đồ nhưng không có thuyết minh. Việc này dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Ông đề nghị xác định cụ thể loại quy hoạch được phép công bố rộng rãi, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Cùng với đó, dự luật cần có yêu cầu cung cấp đầy đủ trên cổng điện tử cơ quan tổ chức lập quy hoạch để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Việc thiếu minh bạch trong công khai quy hoạch từng được nhiều chuyên gia góp ý khi sửa Luật Đất đai vào năm ngoái. Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói đối với thị trường bất động sản, thông tin có giá trị rất lớn. Tuy nhiên, tính công khai hiện chưa cao, mức độ tiếp cận của người dân đối với quy hoạch hay giá đất vẫn rất mập mờ. Việc này dẫn đến tình trạng một số ít người nắm được thông tin sẽ làm giàu thông qua tích trữ, đầu cơ đất đai, gây khó khăn trong quản lý và thất thoát cho Nhà nước.
Công chức có trách nhiệm cung cấp thông tin nhưng quá trình thực hiện còn vướng mắc. "Không cung cấp thông tin chưa chắc đã mắc lỗi, nhưng cung cấp thông tin không đúng có khi lại bị xử lý", ông Dung nói và đề nghị xây dựng một trang thông tin thống nhất về giá đất để người dân truy cập, tìm hiểu.