Bé Huyền mắc bệnh đái tháo đường type 2, chỉ số HbA1c (đường huyết trung bình trong ba tháng trước đó) khoảng 10%, béo phì, chỉ số khối cơ thể (BMI) 28,2 kg/m2. Buồng trứng hai bên có 7-10 nang trứng nhỏ kích thước dưới 10 mm. Mẹ bé cho biết bé có kinh nguyệt cách đây 2 năm, 5 tháng trở lại đây không có kinh.
Ngày 13/10, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hồng, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh nhi mắc hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome - PCOS). Đây là rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến hoạt động buồng trứng, quá trình chuyển hóa ở nữ. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tăng tiết androgen khiến nồng độ hormone nam testosterone tăng cao, thường liên quan đến kháng insulin.
Chế độ dinh dưỡng, vận động thiếu khoa học gây béo phì. Lượng mỡ thừa trong cơ thể kích thích tuyến tụy sản xuất insulin - hormone có nhiệm vụ chuyển hóa carbohydrate, lipid thành năng lượng. Mức insulin dư thừa kích thích buồng trứng sản xuất nhiều nội tiết nam androgen như testosterone, giảm globulin, cản trở việc rụng trứng, khiến nang trứng chứa đầy trong buồng trứng, theo bác sĩ Hồng.
Nồng độ nội tiết nam ở mức cao kích thích sản xuất insulin. Insulin cũng làm tăng cảm giác thèm ăn, suy yếu quá trình oxy hóa axit béo, cản trở việc đốt cháy chất béo, dẫn đến tăng cân, tạo vòng xoắn bệnh lý. Tình trạng đái tháo đường type 2 cũng khiến cơ thể không thể sử dụng hết lượng đường glucose nạp vào để tạo năng lượng, gây kháng insulin, thúc đẩy hình thành PCOS.
Bé Huyền được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc nội tiết giúp kiểm soát đường huyết, tái lập chu kỳ kinh bình thường, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thể thao. Tái khám sau 3 tháng, mẹ bệnh nhi cho biết bé có kinh nguyệt trở lại, giảm 5 kg.
Buồng trứng đa nang gây rậm lông, mụn trứng cá, buồng trứng to, nhiều nang trứng, gián đoạn sự phát triển của nang trứng. Tình trạng này thường gặp ở người trong độ tuổi sinh sản, trong đó có trẻ gái tuổi dậy thì. Bé có dấu hiệu dậy thì sớm trung ương vô căn trước 8 tuổi nguy cơ mắc POS cao. Bệnh di truyền nữ, gia đình có mẹ hoặc chị gái bệnh PCOS, bé gái cũng nguy cơ cao mắc bệnh.
"PCOS nếu không được quản lý tốt khiến chu kỳ kinh rối loạn (thiểu kinh hoặc vô kinh), giảm khả năng sinh sản sau này", bác sĩ Hồng nói. Tình trạng kháng insulin kéo dài dẫn đến cholesterol tăng, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Hiện chưa có cách điều trị đặc hiệu cho PCOS, chỉ khắc phục những rối loạn do bệnh gây ra. Quá trình điều trị thường bắt đầu từ điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thay đổi lối sống, sử dụng thuốc bổ trợ.
Bé gái dậy thì sớm có nguy cơ cao mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Ảnh: Mỹ Thịnh
Bé gái mới dậy thì, chức năng sản xuất hormone của buồng trứng chưa ổn định, khiến nang trứng không thể phát triển bình thường, dễ rối loạn kinh nguyệt. Khoảng 2 năm, chu kỳ kinh sẽ ổn định. Nếu thấy chu kỳ kinh thất thường, ngắn dưới 22 ngày hoặc dài quá 35 ngày, có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng này. Trẻ xuất hiện nhiều lông ở mặt, lưng, ngực, bụng, da mặt nhờn, nhiều mụn trứng cá, sạm da vùng cổ, nách, bẹn và dưới ngực, căng thẳng, đau bụng vùng chậu cần khám sớm.
Để đề phòng mắc buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì, phụ huynh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng nhóm dưỡng chất thiết yếu, hạn chế tối đa sử dụng thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao thường xuyên, sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tránh để bị thừa cân, béo phì. Kiểm soát tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường nếu có, kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp