Trả lời:
Gout là bệnh lý xương khớp mạn tính, gây sưng đau các khớp, có thể dẫn đến hoại tử khớp và mất chức năng vận động. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng như sỏi thận, suy thận...
Hiện chưa có phương pháp điều trị gout dứt điểm. Tuy nhiên, nếu người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ và kết hợp sống khoa học, gout có thể được kiểm soát tốt, hạn chế các đợt bùng phát bệnh.
Sử dụng thuốc theo chỉ định giúp giảm đau, kháng viêm, kiểm soát tốt các chỉ số của cơ thể, đồng thời tránh được những tác dụng phụ như xuất huyết, loét dạ dày, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Chế độ dinh dưỡng khoa học như hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng purine cao (nội tạng động vật, hải sản, một số loại đậu, thịt...), bỏ thuốc lá, kiêng rượu bia và các chất kích thích. Uống nhiều nước và tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Vận động thường xuyên ở cường độ vừa phải giúp cải thiện sức khỏe tổng thể vừa duy trì cân nặng lành mạnh, từ đó giảm tình trạng tăng axit uric và giảm sức ép lên các khớp.
Giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi đầy đủ bởi căng thẳng hoặc stress có thể làm bùng phát các đợt gout cấp.
Khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi phát hiện bất thường, đồng thời cần theo dõi chỉ số nồng độ axit uric định kỳ.
Trường hợp bệnh vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và sinh hoạt, bạn nên đến khám lại các chuyên khoa để có hướng điều trị giảm nhẹ tình trạng gout.
ThS.BS Nguyễn Văn TúChuyên khoa Nội Cơ xương khớpPhòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp