Bệnh thận IgA còn gọi là bệnh thận miễn dịch globulin A (IgAN) hay bệnh Berger. Bệnh xảy ra do nồng độ kháng thể immunoglobulin A (IgA) tăng lên trong huyết thanh (một thành phần của máu) và lắng đọng tại cầu thận (khu vực đảm nhận chức năng lọc máu của thận).
Thông thường, kháng thể IgA được tiết ra nhằm tấn công các loại vi khuẩn, yếu tố gây bệnh xâm nhập, giúp cơ thể tránh nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, ở bệnh thận IgA, kháng thể này có thể xuất hiện do những bất thường nào đó và tích tụ tại cầu thận, gây ra phản ứng viêm, làm tổn thương cấu trúc cầu thận. Tình trạng này làm ảnh hưởng chức năng lọc máu của thận, rò rỉ hồng cầu, protein qua nước tiểu trong một thời gian lâu dài dẫn tới xơ hóa cầu thận.
BS.CKII Nguyễn Hữu Nhật, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tuy có cơ chế tương tự bệnh tự miễn nhưng bệnh thận IgA không được xếp vào nhóm này. Nguyên nhân gây bệnh thận IgA hiện chưa được làm rõ.
Một số nhóm yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm vùng địa lý (châu Á -Thái Bình Dương cao hơn châu Âu, Bắc Mỹ); tuổi tác (thường gặp ở độ tuổi 16-40); giới tính (thường gặp ở nam giới); di truyền. Người bệnh gan như xơ gan, viêm gan tự miễn, viêm gan B, viêm gan C; bệnh Celiac; viêm loét đại tràng, bệnh Crohn; rối loạn hệ miễn dịch, mắc bệnh truyền nhiễm, một số rối loạn da liễu... cũng có nguy cơ phát triển bệnh thận IgA.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhật chia sẻ về bệnh thận IgA. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Nhật, bệnh thận IgA nguy hiểm ở chỗ thường tiến triển âm thầm với tốc độ chậm. Người bệnh có rất ít triệu chứng hoặc các triệu chứng mờ nhạt trong nhiều năm nên dễ bỏ sót bệnh, khi phát hiện bệnh đã diễn tiến xấu hơn.
Trường hợp xuất hiện triệu chứng, người bệnh có thể gặp tình trạng tiểu máu, nước tiểu có bọt lâu tan do nồng độ đạm cao, phù nề tay chân, đau hông lưng, cơ thể suy nhược dễ mệt mỏi, huyết áp tăng...
Nếu không được phát hiện, theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh thận IgA sẽ diễn tiến sang suy thận mạn. "Ước tính khoảng 15% người bệnh thận IgA diễn tiến suy thận mạn giai đoạn cuối sau 10 năm và 20-40% sau 20 năm", bác sĩ Nhật nói. Ngoài ra, bệnh thận IgA có thể dẫn đến một số biến chứng khác như tăng huyết áp khiến chức năng thận tổn thương nghiêm trọng hơn, tăng nồng độ cholesterol gây nguy cơ nhồi máu cơ tim...
Bác sĩ Nhật cho biết hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thận IgA. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và điều trị rất cần thiết, làm chậm tốc độ tiến triển bệnh, giảm nguy cơ chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hay ghép thận. Tùy mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.
Bệnh thận IgA có thể được phát hiện thông qua việc định kỳ thực hiện các xét nghiệm chức năng thận từ cơ bản đến chuyên sâu như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, sinh thiết thận. Do đó, mọi người cần khám sức khỏe, xét nghiệm chức năng thận định kỳ 6-12 tháng một lần để sớm phát hiện bệnh và điều trị phù hợp.
Phương pháp phòng ngừa bệnh còn nhiều hạn chế. Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhật khuyên mọi người phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng do phế cầu, liên cầu, E.Coli, viêm gan B, viêm gan C, thường xuyên theo dõi huyết áp, quản lý chỉ số cholesterol.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp