Cách cải thiện ngôn ngữ cho trẻ chậm nói

02/01/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Trẻ Em Các Bệnh Nhi - Sơ Sinh Sức Khỏe
Cách cải thiện ngôn ngữ cho trẻ chậm nói

BS.CKI Lê Thu Trang, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ hai tuổi có thể nói khoảng 50 từ, nói thành câu gồm hai từ. Đến ba tuổi, vốn từ vựng của trẻ có thể tăng lên khoảng 1.000 từ. Trẻ 3-5 tuổi gần như có thể hiểu hết những gì người khác nói. Trẻ chưa nói hoặc nói rất ít sau 18 tháng tuổi được xem là chậm nói. Nguyên nhân có thể do yếu tố tâm lý, cấu tạo miệng, lưỡi, vòm họng bất thường, khó phát âm, gặp vấn đề thính giác, khiếm khuyết trong sự phát triển não bộ... Đôi khi đây cũng là hệ quả của việc thiếu tương tác từ môi trường xung quanh.

Trẻ chậm nói ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, khó thích nghi do thiếu phương tiện giao tiếp, dẫn đến tự kỷ. Khó khăn trong việc phát triển ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập, quan sát xã hội. Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ Trang hướng dẫn cha mẹ thực hiện một số cách sau.

Tăng cường tương tác, giao tiếp, kể chuyện, đọc sách giúp trẻ phản xạ tốt hơn với các âm thanh xung quanh. Khi trò chuyện, cha mẹ nên nói rõ ràng, chậm rãi, dùng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu. Lời nói nên kết hợp ngôn ngữ hình thể diễn tả hoạt động, sự việc đang xảy ra để bé hiểu nghĩa của từ, câu.

Cha mẹ chọn sách tranh đơn giản, kể chuyện với giọng điệu sinh động, khuyến khích trẻ tham gia bằng cách chỉ vào hình ảnh hoặc trả lời câu hỏi. Hát cho bé nghe thúc đẩy phát triển kỹ năng nghe. Các loại thẻ học gồm các con vật, hoa, quả... cũng kích thích trẻ học nói các từ đơn.

Thường xuyên dành thời gian trò chuyện riêng cùng trẻ khi đi ngủ hoặc khi đi dạo. Lúc này trẻ cảm thấy thoải mái, sẵn sàng giao tiếp. Trò chuyện ở vị trí ngang tầm mắt trẻ với biểu cảm khác nhau giúp gây sự chú ý, tương tác mắt, tạo chiều sâu giao tiếp. Nhờ đó trẻ ghi nhớ sâu và phản ứng giao tiếp tích cực. Bé cũng nhìn miệng người lớn để học nói lại đúng tình huống và ngữ cảnh giao tiếp.

Luôn trả lời bé ngay cả khi trẻ chưa nói nhưng có những cử chỉ giao tiếp. Cha mẹ nói dễ hiểu, ngắn gọn, câu đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, sử dụng các câu hỏi mở để con có cơ hội tư duy và dẫn dắt câu chuyện. Đồng thời, người lớn kiên nhẫn đợi trẻ tự xử lý thông tin khi đưa ra yêu cầu với bé.

Không gượng ép trẻ nói, thường xuyên động viên, dành lời khen mỗi khi bé phát âm từ giúp trẻ tự tin, mạnh dạn bật nói. Tránh sửa lỗi trực tiếp nhiều khi bé nói sai, nên lặp lại câu đúng để bé học, không bị áp lực.

Cùng chơi và tương tác có thể giúp bé cải thiện tình trạng chậm nói. Ảnh minh họa: Hải Âu

Hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, tivi do ít tương tác, hạn chế khả năng giao tiếp. Bác sĩ Trang dẫn nghiên cứu trên 900 trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi của các bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Canada năm 2017 cho thấy cứ mỗi 30 phút sử dụng thiết bị điện tử, điện thoại thông minh, nguy cơ chậm nói ở trẻ tăng 49%.

Tăng cường các hoạt động ngoài trời, tạo môi trường giao tiếp tích cực, thúc đẩy trẻ có cơ hội tương tác với thế giới xung quanh, kích thích sự phát triển ngôn ngữ. Phụ huynh nên thường xuyên đưa trẻ đến công viên, sân chơi để bé quan sát và học hỏi.

Khám với bác sĩ hoặc chuyên gia ngôn ngữ trị liệu giúp trẻ được đánh giá chính xác nguyên nhân gây chậm nói, có phương pháp hỗ trợ kịp thời. Nhiều trường hợp trẻ chậm nói kèm theo các biểu hiện kém phát triển, tiếp thu ngôn ngữ do rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ hoặc khuyết tật trí tuệ... Lúc này trẻ gặp khó khăn trong phát âm, hiểu và sử dụng ngôn ngữ hiệu quả.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật