Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, 46 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Quốc hội nghỉ giải lao 20 phút.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong
15h20 Bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạoThủ tướng cho biết, việc phát triển nhân lực chất lượng cao công nghệ thông tin đã đạt được những kết quả tích cực. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong xây dựng chính sách, kết nối, thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng 56/100. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 (tăng 4 bậc so với năm 2022). Hà Nội và TP HCM lọt vào nhóm 200 thành phố đứng đầu về khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Tuy nhiên, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa đạt mục tiêu đề ra. Thể chế, cơ chế, chính sách chưa có đột phá; đầu tư cho khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa thực sự hiệu quả; sự gắn kết giữa các chủ thể, nhất là Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ.
Thủ tướng tại phòng họp Diên Hồng. Ảnh: Hoàng Phong
Thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng khoa học công nghệ; chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương; lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là nền tảng.
Chính phủ sẽ bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức...
"Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng đến chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường. Sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn", Thủ tướng nói.
15h15 Ưu đãi tài chính thu hút tập đoàn công nghệ lớnTheo Thủ tướng, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, xanh, bền vững. Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số và triển khai hiệu quả Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở. Chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người" và tiến bộ vượt bậc. Thương mại điện tử phát triển mạnh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, chính sách về chuyển đổi số chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cải cách hành chính còn chậm; thủ tục còn rườm rà, ách tắc; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét. Thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ưu tiên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Hoàng Phong
Hạ tầng số, nhất là công nghệ vệ tinh, Internet vạn vận, sẽ được đẩy mạnh; xây dựng trung tâm công nghiệp kỹ thuật số, dữ liệu lớn, ứng phó khẩn cấp sự cố an ninh mạng; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
"Chính phủ sẽ xây dựng chính sách ưu đãi, kể cả ưu đãi tài chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn; phát triển nguồn nhân lực số, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; triển khai hiệu quả Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030", ông cho hay.
15h10 Tái khởi động dự án điện hạt nhânVề cung ứng điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, ban hành cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối.
Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII. Thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết đã yêu cầu xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao; tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện. Các bộ ngành rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý; đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.
"Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi; trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện", ông cho hay.
15h05 Phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt hơn 7%Phát biểu trước khi bắt đầu trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong tháng 10, kinh tế xã hội Việt Nam tiếp tục có xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9. Tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) thấp hơn giới hạn quy định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78%. Thu ngân sách ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước phiên chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong
Chính phủ đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi; chuyển giao bắt buộc xong hai ngân hàng yếu kém. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão Yagi được triển khai kịp thời.
Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021-2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng.
Đại biểu tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: Hoàng Phong
Theo Thủ tướng, đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng, nên được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, giải ngân còn chậm. 10 tháng qua, giải ngân đạt 52,29%; giải ngân vốn ODA đạt 27,88%. Có 29 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Thủ tướng chỉ ra rằng nguyên nhân chính khiến tiến độ các dự án chậm trễ là do: thủ tục hành chính rườm rà, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, thiếu vật liệu xây dựng, năng lực quản lý dự án yếu kém và sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ. Ngoài ra, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm và tình trạng né tránh trách nhiệm cũng là những vấn đề cần được giải quyết.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, thời gian tới tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần "5 quyết tâm", "5 đảo bảo", phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.
Có 3 nội dung mới cập nhật