Chuyện 4 người Việt định cư Đức, nơi 'làm việc bốn tiếng một ngày'

30/12/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Ý Kiến
Chuyện 4 người Việt định cư Đức, nơi 'làm việc bốn tiếng một ngày'

Đọc bài viết về những người Việt ở Đức làm việc nhiều và không sống hưởng thụ như mong đợi, tôi muốn chia sẻ thêm một vài câu chuyện mà tôi tận mắt chứng kiến được khi sống ở nước ngoài. Qua góc nhìn của họ, các bạn sẽ hiểu rõ hơn lý do vì sao cuộc sống nơi đất khách không phải lúc nào cũng là màu hồng.

Câu chuyện thứ nhất là về một người phụ nữ khoảng 40 tuổi, sang Đức theo diện đoàn tụ gia đình (kết hôn giả), không có bằng cấp. Vì không có trình độ chuyên môn và sức khỏe không tốt, chị chỉ làm việc bốn giờ mỗi ngày, đủ để không phải nhận trợ cấp xã hội. Ngoài ra, chị nhận được trợ cấp nuôi hai đứa con (Kindergeld) khoảng 500 euro mỗi tháng. Sau khi ly hôn, chị cũng nhận thêm trợ cấp cho người đơn thân, khoảng 180 euro.

Nhà ở Đức là do bố mẹ giàu có nên chuyển tiền theo dạng cho tặng sang cho chị mua, không phải đóng thuế theo luật của Đức. Cuộc sống của chị ở Đức được xem là màu hồng: chị làm việc nhẹ nhàng, sống thảnh thơi, trồng cây, hoa và tận hưởng cuộc sống.

Câu chuyện thứ hai là về cậu thanh niên đi du học nghề nhưng bị lừa bởi trung tâm môi giới. Sau khi đóng tiền môi giới, em bị công ty bên này bắt tay với trung tâm ở Việt Nam cắt hợp đồng. Em phải tìm hợp đồng mới để không phải trở về nước. Gia đình em đã vay mượn để lo chi phí cho con học tiếng, lo lót môi giới nhưng giờ mọi chuyện lại thành công cốc.

Sau thời gian kiếm được hợp đồng mới và vất vả học tập, em cũng đã tốt nghiệp và đi làm điều dưỡng với mức lương ổn định. Em lấy vợ cũng chung ngành, dù công việc khá cực nhọc nhưng tổng thu nhập của cả hai cũng khoảng 4.000-6.000 euro mỗi tháng.

>> Nhiều người Việt ở Đức chê tôi lười biếng vì sống chậm từ tuổi U40

Câu chuyện thứ ba là về một sinh viên đã tốt nghiệp đại học trong nước, rất giỏi và có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành IT. Em phỏng vấn diện Blue Card với mức lương cao từ 70.000-90.000 euro mỗi năm, và đưa cả gia đình sang Đức theo diện này.

Còn rất nhiều du học sinh khác ở Đức, có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ, đạt mức lương mà ngay cả người Đức cũng mơ ước. Những người này làm việc trí óc, ít vất vả hơn, lương cao nhưng đồng thời cũng đóng thuế nhiều (35-45%). Đổi lại, họ sẽ nhận được lương hưu cao và tiền thuế của họ góp phần hỗ trợ những người có thu nhập thấp hơn.

Câu chuyện cuối cùng là về một người em đã có thẻ vĩnh trú ở Đức, hỏi ý kiến tôi làm sao để nói với chú họ (đã lớn tuổi và mới sang Đức bất hợp pháp) rằng không thể cho chú ở nhà em mà không làm mất lòng. Vì nếu chứa chấp người bất hợp pháp ở Đức, em có thể bị phạt tiền, phạt tù, thậm chí bị tước thẻ vĩnh trú hoặc quốc tịch.

Những người lớn tuổi bất hợp pháp như chú, hay những người Việt Nam từ thời Đông Đức, phải cố gắng rất nhiều để có giấy tờ hợp lệ và hòa nhập. Họ chấp nhận làm việc tay chân với lương thấp. Một số người vượt khó để học hành, lấy bằng cấp hoặc trở thành chủ doanh nghiệp, quán ăn nhưng phần lớn làm các công việc tay chân, như làm bếp hay quán ăn, từ sáng đến tối mịt. Khi đã lớn tuổi, họ chỉ mong ngày được về hưu và hưởng lương hưu ở Đức, nhưng sẽ trở về Việt Nam để sống nốt những ngày cuối đời.

Qua bốn câu chuyện điển hình về các trường hợp kết hôn, đoàn tụ, du học nghề, du học sinh, chuyên gia, và người lớn tuổi không có bằng cấp (tôi nghĩ là chiếm hầu hết các trường hợp sống ở đây), có thể thấy rằng cuộc sống ở nước ngoài không phải lúc nào cũng màu hồng như trường hợp người phụ nữ đầu tiên. Phần lớn người Việt ở Đức sẽ rơi vào hoàn cảnh như ba câu chuyện về sau.

Thế nên, để sống thảnh thơi ở bất kỳ đâu, bạn phải có đủ tích lũy. Có nghĩa là bạn phải giàu (hoặc bố mẹ bạn giàu), hoặc bạn phải giỏi, hoặc bạn phải chăm chỉ làm việc để vượt qua lúc khó khăn. Đây là câu trả lời cho việc tại sao người Việt ở Đức thường làm việc rất chăm chỉ.

Còn người Đức thì sao? Tất nhiên cũng có những người làm việc chăm chỉ và có người thích sống nhàn nhã dựa vào phúc lợi, nhưng đó lại là một câu chuyện dài khác. Về cơ bản thì họ ít thích làm các công việc vất vả, và đó cũng là cơ hội cho các bạn muốn định cư ở Đức.

Santa Klause

>> Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống người Việt ở đất nước bạn đang sống tại đây:

Bạn đang sống nhanh hay sống chậm? Sống chậm là gì? U40 nghĩ về cái chết Người Việt chuộng 'làm nhiều, nghỉ ít' đến bao giờ? Suy nghĩ sai lầm 'người Việt năng suất thấp nên phải nghỉ ít, làm nhiều' Mắc kẹt trong vòng quay làm quần quật, nghỉ vội vàng Bạn đang sống nhanh hay sống chậm? Sống chậm là gì? U40 nghĩ về cái chết Người Việt chuộng 'làm nhiều, nghỉ ít' đến bao giờ? Suy nghĩ sai lầm 'người Việt năng suất thấp nên phải nghỉ ít, làm nhiều' Mắc kẹt trong vòng quay làm quần quật, nghỉ vội vàng
Tin liên quan
Tin Nổi bật