Chuyên gia: Luật Dẫn độ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đối với tội phạm

29/12/2024
|
0 lượt xem
Pháp Luật
Chuyên gia: Luật Dẫn độ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đối với tội phạm

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Dẫn độ (LDĐ), nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ đồng bộ, hiện đại, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với quốc tế; nâng cao hiệu quả truy bắt những người thực hiện hành vi phạm tội rồi bỏ trốn ra nước ngoài, hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam.

Dự thảo nêu 5 nguyên tắc dẫn độ, gồm: tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và các bên cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo "không xét xử hai lần về cùng một tội phạm".

Bộ Công an bàn giao cho cảnh sát Mỹ di lý Polie Phan (một trong 2 nghi phạm gốc Việt bị Interpol truy nã tội Giết người) về nước, năm 2023. Ảnh: Công an cung cấp

Nhiều ưu điểm

Theo Tiến sĩ luật Nguyễn Hữu Thế Trạch, dự thảo LDĐ đưa ra nhiều ưu việt nhằm đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế trong quá trình thực hiện dẫn độ. Trong đó, đặc biệt nhất là việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại và các điều kiện chặt chẽ trong việc từ chối hoặc chấp nhận yêu cầu dẫn độ, qua đó bảo vệ quyền lợi quốc gia và cá nhân.

Theo đó, Việt Nam cam kết thực hiện các yêu cầu dẫn độ từ các quốc gia khác tương tự như cách các quốc gia này thực hiện yêu cầu dẫn độ từ phía Việt Nam; giúp tạo nên một cơ chế công bằng, đảm bảo sự hợp tác quốc tế và nâng cao tính thuyết phục trong việc xử lý các vụ việc dẫn độ. Điều luật này quy định rằng, nếu giữa Việt Nam và quốc gia yêu cầu dẫn độ chưa có điều ước quốc tế về dẫn độ, thì các thủ tục dẫn độ sẽ được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng phải phù hợp với pháp luật Việt Nam và tập quán quốc tế.

Dự thảo LDĐ cũng quy định về quy trình và thủ tục thực hiện dẫn độ, từ việc lập hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến các bước kiểm tra, xét duyệt và quyết định dẫn độ. Bộ Công an là cơ quan trung ương chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ yêu cầu dẫn độ, đảm bảo tính chính xác và hợp lệ của các thông tin trong hồ sơ.

Một ưu điểm nữa là việc tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động dẫn độ thông qua các kênh ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Điều này giúp nâng cao hiệu quả của các hoạt động dẫn độ và đảm bảo việc thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam.

"Nhìn chung, dự thảo LDĐ không chỉ bảo vệ quyền lợi quốc gia và cá nhân mà còn tạo ra một cơ chế pháp lý minh bạch, công bằng và hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. LDĐ có hiệu lực sẽ có tác động rất lớn đến việc xử lý tội phạm, đặc biệt là những người phạm tội đã bỏ trốn và đang bị truy nã trong các vụ án lớn", ông Trạch nói.

Cụ thể, khi LDĐ được ban hành và thực thi, Việt Nam sẽ có cơ sở pháp lý rõ ràng để yêu cầu các quốc gia khác hợp tác trong việc bắt giữ và dẫn độ các tội phạm đang lẩn trốn ra nước ngoài. Điều này đảm bảo rằng, các tội phạm không thể dễ dàng trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật bằng cách di chuyển sang một quốc gia khác.

"Việc dẫn độ sẽ giúp đưa các tội phạm này trở lại Việt Nam để đối mặt với các cáo buộc và xét xử theo quy định của pháp luật", ông Trạch nói, thêm rằng các nạn nhân, người bị hại trong các vụ án sẽ cảm thấy được bảo vệ và công lý được thực thi khi những kẻ phạm tội bị bắt và đưa ra xét xử. Điều này cũng sẽ giúp củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam. Việc xử lý nghiêm minh các tội phạm sẽ tạo ra một môi trường xã hội an toàn và công bằng hơn.

Một trong những lợi ích quan trọng khác của LDĐ là khả năng ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ tái phạm của các tội phạm. Bởi khi các tội phạm biết rằng họ không thể thoát khỏi sự trừng phạt bằng cách bỏ trốn ra nước ngoài, họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện các hành vi phạm tội.

Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế trong việc dẫn độ tội phạm sẽ giúp giảm thiểu chi phí và thời gian truy bắt tội phạm. Thay vì phải triển khai các chiến dịch truy bắt phức tạp và tốn kém, các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể dựa vào sự hỗ trợ của các quốc gia đối tác để bắt giữ và dẫn độ tội phạm một cách hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm về những "nội dung tiến bộ, mang tính quốc tế", luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng dự thảo LDĐ phù hợp với thực tế Việt Nam đang nâng cao phát triển hội nhập quốc tế và tình trạng tội phạm truy nã xuyên quốc gia ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Dự thảo LDĐ cũng có ý nghĩa trong việc tăng cường công tác ngoại giao giữa Việt Nam với nước ngoài và đảm bảo công tác truy cứu trách nhiệm hình sự ngày càng nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.

Có thể vướng mắc

Theo luật sư Hậu, dự thảo LDĐ đưa ra nguyên tắc có qua có lại khi tiến hành dẫn độ với các quốc gia chưa ký điều ước quốc tế với Việt Nam, được áp dụng với điều kiện không trái pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này nếu chỉ hiểu theo quy định hiện hành thì sẽ làm phát sinh nhiều tình huống vướng mắc khó giải quyết trên thực tiễn.

Làm rõ hơn về quan điểm này, ông Hậu ví dụ, A là tội phạm nước ngoài bị truy nã bởi hành vi vi phạm pháp luật ở nước AA, khi trốn qua Việt Nam anh ta tiếp tục gây án và bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ. Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì A vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng, nếu nước AA có yêu cầu dẫn độ A, và giữa Việt Nam với nước này chưa ký kết điều ước quốc tế, thì các bên phải áp dụng nguyên tắc có qua có lại. Việc này sẽ gặp khó khăn nếu hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam được quy định mức án tối đa là tử hình, nhưng nước AA yêu cầu không được tử hình, thì giữa hai quốc gia không thể đi đến được sự thống nhất chung.

Một vấn đề khác là, dự thảo LDĐ đang giao trách nhiệm xây dựng trình tự, thủ tục áp dụng nguyên tắc có qua có lại cho Chính phủ chứ chưa quy định rõ trong dự thảo. Nhưng đây là nội dung rất quan trọng, cần phải luật hóa các quy định trong chính các điều khoản của LDĐ để từ đó tạo điều kiện cho việc thi hành pháp luật đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, dự thảo đã chỉnh sửa và quy định chi tiết về quyền từ chối dẫn độ của Việt Nam hơn so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007. Trong đó phân rõ 2 điều khoản quy định về các trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam "sẽ từ chối" dẫn độ và "có thể từ chối" dẫn độ. Quy định này tạo được tính chủ động cho phía cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc quyết định có dẫn độ theo yêu cầu của nước ngoài hay không.

Tuy nhiên, theo ông Hậu, quy định về quyền từ chối dẫn độ vẫn chưa rõ ràng, do quy định hiện nay của dự thảo luật chỉ mới nêu "Cơ quan Trung ương của nước Việt Nam là Bộ Công an ra thông báo từ chối dẫn độ mà không cần Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, thụ lý hồ sơ". Nhưng tại điều khoản về tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ vẫn chưa quy định về quyền ra thông báo từ chối của Bộ Công an.

"Đây là điểm cần hoàn thiện để tăng hiệu quả áp dụng pháp luật trên thực tế", ông Hậu góp ý.

Tương tự, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cũng chỉ ra một số vấn đề có thể phát sinh khi áp dụng LDĐ. Ông cho rằng, việc tách riêng LDĐ khỏi Luật Tương trợ tư pháp có thể gây ra sự không nhất quán trong việc thực thi pháp luật, tạo ra khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng đúng quy định pháp luật.

Quy trình tiếp nhận, kiểm tra, và xử lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ về trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan như Bộ Công an, VKSND, TAND có thể dẫn đến việc chồng chéo nhiệm vụ, gây chậm trễ trong quá trình thực hiện dẫn độ.

Ngoài ra, dự thảo cũng chưa đề cập cụ thể đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và nước yêu cầu dẫn độ khi có sự khác biệt về quy định pháp luật hoặc quyền lợi quốc gia. Điều này có thể gây ra khó khăn trong quá trình đàm phán và thực thi dẫn độ. Việc đảm bảo đủ nguồn lực về nhân sự và tài chính để thực hiện các thủ tục dẫn độ cũng là một thách thức...

"Những bất cập nêu trên đòi hỏi LDĐ cần được điều chỉnh và hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thực hiện, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan", ông Trạch nói.

Dự kiến, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ dự án LDĐ trong tháng 1/2025.

Quốc Thắng

Tin liên quan
Tin Nổi bật