"Nhồi máu cơ tim ở tuổi bà Mai không hiếm gặp nhưng thường khó cứu", ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hôm 14/10, thêm rằng đây là một trong số ít trường hợp được chữa trị thành công bởi bệnh nhân cao tuổi thường kèm nhiều bệnh nền, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu can thiệp. Cụ bà và người nhà lúc đầu cũng từ chối làm thủ thuật, mong muốn điều trị nội khoa.
Trước đó bà Mai nhập viện trong tình trạng khó thở, viêm phổi cấp tính. Trong quá trình chữa viêm phổi, bà đau nhói ngực từng cơn, xét nghiệm máu xác định nhồi máu cơ tim. Chụp mạch vành cho thấy ba nhánh mạch máu chính nuôi tim hẹp nặng kèm vôi hóa. Trong đó, mạch vành phải hẹp tới 99% chặn hoàn toàn dòng máu đến tim, hai nhánh mạch vành trái hẹp 99% đoạn gần, 95% đoạn xa.
Mạch vành trái hẹp nặng chặt đứt dòng máu nuôi tim (hình A) và sau khi được can thiệp tái thông (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Theo bác sĩ Minh, trường hợp nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân dưới 75 tuổi và không có bệnh nền, êkíp dễ dàng đặt stent. Còn bà Mai gần 90 tuổi, bị viêm phổi và suy thận mạn giai đoạn 3B, tiến hành thủ thuật tiềm ẩn nguy cơ suy thận nặng thêm.
Các bác sĩ hội chẩn để tìm phương án tốt nhất. Bác sĩ Minh nhận định đây là trường hợp thiếu máu cơ tim gây nhồi máu cơ tim nguy hiểm, muốn đạt hiệu quả điều trị tối ưu thì buộc phải can thiệp tái thông dòng máu nuôi tim. Sau khi thuyết phục bệnh nhân và người nhà đồng ý phương án này, các bác sĩ lên kế hoạch chi tiết để giảm rủi ro xuống mức thấp nhất.
Êkíp Gây mê hồi sức, Hồi sức Nội tim mạch túc trực trong phòng DSA, sẵn sàng tiếp ứng. Kết quả chụp mạch vành xác định cả ba nhánh mạch máu chính đến tim hẹp nặng kèm vôi hóa. Toàn bộ hệ thống mạch máu tim bị đứt gãy gần hết, sang thương quá nặng. Nếu ngay lập tức can thiệp đặt stent cả ba nhánh sẽ gây áp lực lớn cho tim, khiến huyết áp tụt sâu và tim có thể ngừng đập bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, dùng quá nhiều thuốc cản quang trong một ca can thiệp còn ảnh hưởng đến chức năng thận, gây suy thận tiến triển sau can thiệp.
Êkíp tạm dừng thủ thuật để hội chẩn khẩn giữa bác sĩ Nội tim mạch - Ngoại tim mạch - Can thiệp mạch, tìm cách xử lý tối ưu nhất. Sau hội chẩn, bác sĩ quyết định nong mạch vành phải trước, vài ngày sau mới xử lý hai nhánh mạch vành trái nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
"Khó khăn lớn nhất là mạch vành vôi hóa nặng, tăng nguy cơ rơi stent trong mạch vành", BS.CKI Đỗ Duy Long, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói. Để khắc phục, êkíp dùng bóng cứng nong lòng mạch, giúp lòng mạch mở rộng, mở đường đưa stent đến vị trí đoạn mạch tắc hẹp.
Vấn đề thứ hai là bệnh nhân lớn tuổi, bác sĩ cần đánh giá chuẩn xác xem mạch vành chịu được bóng và stent kích cỡ bao nhiêu. Nếu nong bóng quá lớn, mạch máu vỡ gây tràn máu màng tim dẫn tới tử vong. Nếu chọn bóng quá nhỏ, stent không áp sát thành mạch làm tăng nguy cơ tái hẹp trong stent.
Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm trong lòng mạch - IVUS, êkíp đo đạc chính xác kích thước lòng mạch, quan sát rõ vị trí, mức độ vôi hóa, từ đó chọn stent kích cỡ phù hợp để bảo tồn mạch máu. Sau 30 phút, hai stent phủ thuốc thế hệ mới được đặt vào mạch vành phải, cứu cụ bà qua cơn nhồi máu cơ tim.
5 ngày sau, bác sĩ đặt thêm hai stent vào hai nhánh mạch vành trái, ba nhánh mạch máu nuôi tim được tái thông. Êkíp sử dụng kỹ thuật tối thiểu lượng cản quang đưa vào cơ thể người bệnh (tổng 80 ml ở hai lần can thiệp, trong khi một ca can thiệp thông thường tốn 100-150 ml cản quang).
Bà Mai hết đau ngực, khó thở, chức năng thận giữ nguyên so với trước can thiệp. Bác sĩ luồn dây dẫn từ tĩnh mạch quay (ở cổ tay) giúp bà không phải nằm bất động một ngày sau thủ thuật. Bà được xuất viện ba ngày sau đó.
Bác sĩ Minh (phải) và bác sĩ Long kiểm tra sức khỏe cho cụ bà vào ngày thứ ba sau ca can thiệp mạch vành trái. Ảnh: Minh Huyền
Bác sĩ Minh lưu ý bệnh nhân cao tuổi đặt stent dễ gặp biến chứng. Trường hợp người bệnh có các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gan thận..., nguy cơ cao hơn. Do đó, phương pháp điều trị nội khoa thường được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, phương pháp này không giải quyết được triệt để tình trạng hẹp nghẽn mạch vành.
Người bệnh sau đặt stent cần có chế độ ăn đủ dinh dưỡng, tăng cường rau củ quả, hạn chế thực phẩm chứa chất béo xấu, tập thể dục đều đặn, duy trì uống thuốc. Bệnh nhân tái khám định kỳ để được đánh giá hiệu quả sau đặt stent, đồng thời phát hiện sớm nếu có bất thường. Trường hợp sau khi xuất viện gặp các triệu chứng như đau ngực, khó thở đột ngột..., cần đến bệnh viện ngay.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp