"Cùng một loại sinh phẩm nhưng mỗi địa phương một giá khác, thậm chí chênh 5-7 lần", bà Thanh nói khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri, chiều 7/10. Đơn cử theo quy định mỗi máy chạy thận nhân tạo hoạt động ba ca/ngày. Tuy nhiên vì thiếu máy, có bệnh viện phải chạy 4 ca, dẫn đến nguy cơ lỗi kỹ thuật, chuyên môn có thể xảy ra như vụ tai biến ở Hòa Bình năm 2017. Tình trạng không có máy, máy hỏng nhưng không mua được, rất phổ biến.
Nhiều người lâm trọng bệnh, yêu cầu điều trị sớm, mổ sớm nhưng vẫn phải đặt lịch 6-7 tháng do thiếu sinh phẩm. "Cơ hội để người bệnh được chữa trị, thậm chí duy trì sự sống sẽ khó khăn", bà Thanh lo ngại, đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế quyết liệt chỉ đạo giải quyết và công khai địa phương thiếu trách nhiệm.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chỉ ra tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm và vật tư y tế ở một số cơ sở y tế công lập là do vướng mắc về đầu thầu mua sắm. Còn Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhìn nhận thiếu do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng đơn vị đã mua hết số lượng thuốc trúng thầu. Bà cũng cho rằng có tình trạng "thiếu thuốc ảo" do tâm lý người bệnh quen sử dụng thuốc có tên thương mại theo kết quả trúng thầu của năm trước, không muốn thay đổi dù có cùng hoạt chất. Việc này dẫn đến nhân viên y tế phải giải thích cho người bệnh khi kê đơn.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng do mô hình bệnh tật thay đổi, phát triển kỹ thuật mới nên cơ sở y tế dự trù kế hoạch chưa sát với thực tế hoặc thiếu chủ động, tâm lý e dè khi đấu thầu. Một số bệnh hiếm gặp nay xuất hiện khiến không kịp mua sắm. Bà Hương cho biết Bộ sẽ tập trung giải quyết, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, thiết bị, vật tư.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Media Quốc hội
Thiếu vaccine
Theo Trưởng Ban Dân nguyện, tình trạng thiếu vaccine đã diễn ra 2-3 năm qua song chưa chuyển biến. Ban kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp và xem xét trách nhiệm để xảy ra thiếu vaccine. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Liên Hương cho hay tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng diễn ra ở nhiều nước không riêng Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu do đại dịch Covid-19 dẫn đến tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn trong ba năm.
Bộ cho rằng việc chậm trễ trong kế hoạch nhu cầu vaccine hàng năm là do các địa phương chậm tổng hợp nhu cầu. Theo quy trình, địa phương rà soát diện được tiêm trong năm, chưa được tiêm từ năm trước, cần phải tiêm bù, tiêm vét, tổng hợp và đề xuất Bộ Y tế. "Nhiều địa phương phải đôn đốc rất nhiều lần mới gửi lên, có những nơi gửi văn bản còn chưa có chữ ký của lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở", đại diện Bộ Y tế nói.
Bà Hương cho biết dự kiến năm 2025, địa phương nào không gửi nhu cầu vaccine đúng thời hạn, Bộ Y tế sẽ mua theo kế hoạch có sẵn và địa phương đó tự chịu trách nhiệm mua vaccine để đảm bảo nhu cầu. Kinh nghiệm các nước, kế hoạch mua thuốc và vaccine thường xây dựng cho 2-3 năm chứ không mua năm một. Do đó Bộ Y tế sẽ nghiên cứu thực hiện theo cách này để đảm bảo thuận tiện, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu vaccine cho trẻ em.
Sơn Hà