Doanh nghiệp Nhật tìm lao động nước ngoài để giải cơn khát nhân lực

30/12/2024
|
0 lượt xem
Cuộc Sống Đó Đây Thế Giới
Doanh nghiệp Nhật tìm lao động nước ngoài để giải cơn khát nhân lực

Trong bài phát biểu chính sách đầu tiên trước Hạ viện hôm 4/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã gọi khủng hoảng nhân khẩu học mà nước này đang đối mặt là "tình trạng khẩn cấp thầm lặng", khi dân số già đi và tỷ lệ sinh vẫn ở mức thấp đáng báo động.

Theo Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản là quốc gia có dân số già thứ hai trên thế giới, chỉ sau Monaco. Năm ngoái, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản là là 1,2, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng lao động và các doanh nghiệp Nhật, đặc biệt là những cơ sở ở vùng nông thôn như công ty chuyên sản xuất bánh gạo của ông Takeo Hitzatsuki.

Công ty nằm ở vùng núi phía bắc Tokyo, được thành lập từ năm 1923 nhưng chưa từng phải đối mặt với tình thế không thể tuyển đủ số lao động người Nhật như hiện nay.

Năm 2020, ông Hizatsuki, người đã điều hành công ty 20 năm qua, quyết định tuyển 10 lao động Việt Nam, khởi đầu cho hành trình củng cố sức sống cho công ty bằng nguồn nhân lực nước ngoài.

Thời điểm đó, nhân viên người Nhật trong công ty vô cùng bối rối. "Tôi nói với họ: 'Để đủ năng lực cung cấp sản phẩm cho người Nhật, chúng ta cần tồn tại đã. Mà để tồn tại được, chúng ta cần chấp nhận lao động nước ngoài", ông nói.

Dân số suy giảm và già hóa nhanh đã buộc Nhật Bản, quốc gia vốn rất khép kín với người nhập cư, phải tăng cường đón lao động nước ngoài vào làm việc. Đa số lao động nhập cư là người châu Á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Thực tập sinh Việt Nam làm việc trong nhà máy dệt kim ở Mitsuke, tỉnh Niigata, ngày 26/2/2019. Ảnh: Reuters

Các công ty ở thành phố lớn đã tuyển nhiều lao động nước ngoài trong suốt thập kỷ qua. Nhưng ở một số vùng nông thôn, nơi thiếu lao động nghiêm trọng, một số doanh nghiệp lâu đời như Hizatski bây giờ mới tìm hiểu cách tuyển dụng lao động nước ngoài để giải tỏa cơn khát nhân lực.

Tại những khu vực này, người dân đa phần chỉ nói tiếng Nhật và các cộng đồng có xu hướng thận trọng với người mới đến. Khi không thể tuyển được nhân lực địa phương, sự sinh tồn của các công ty phụ thuộc vào khả năng thuyết phục lao động nước ngoài làm việc và gắn bó với doanh nghiệp.

Yuki Hashimoto, chuyên gia Viện nghiên cứu kinh tế, thương mại và công nghiệp (RIETI) ở Tokyo, nhận định "lao động nước ngoài là yếu tố không thể thiếu" đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, xương sống của nền kinh tế vùng ở Nhật Bản. "Nếu thiếu lao động nước ngoài, các doanh nghiệp này sẽ sụp đổ".

Để thu hút và giữ chân lao động nước ngoài, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương ở Nhật Bản đang nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp. Công ty của ông Hizatsuki trong 4 năm qua đã đặt ra nhiều quy định để giữ chân lao động Việt Nam và Indonesia, lực lượng chiếm khoảng 10% trong tổng số 210 nhân sự của công ty.

Ông cũng bắt đầu sử dụng phiên dịch trong nhà máy để có thể trao đổi trực tiếp với nhân viên người nước ngoài. Ông tăng lương cơ bản cho lao động nước ngoài ngang mức người Nhật, điều mà một số công ty khác ở Nhật không muốn làm.

Ông cũng có kế hoạch đề bạt một nhân viên nước ngoài lên cấp phó và cấp trưởng quản lý dây chuyền sản xuất trong vòng 3-5 năm, với nhằm chứng minh lao động nước ngoài cũng có cơ hội thăng tiến ở Nhật.

Sau 4 năm, người Nhật trong công ty đã thoải mái hơn khi làm việc với đồng nghiệp nước ngoài. Hai năm tới, ông dự định chuyển giao công việc cho con trai. Chủ tịch Hizatsuki ước tính đời con ông sẽ cần tới một nửa lao động là người nước ngoài.

Năm ngoái, Nhật Bản thông qua chính sách nới lỏng quy định số lượng lao động nước ngoài được phép định cư lâu dài ở nước này. Đây là bước ngoặt đối với một quốc gia duy trì số lượng người nhập cư ở mức hạn chế trong thời gian dài vì lo ngại dân số nước ngoài gia tăng bất ổn xã hội. Quyết định này cũng làm nổi bật tình hình suy giảm nghiêm trọng dân số trong độ tuổi lao động mà Nhật Bản đang đối mặt.

Tân Thủ tướng Ishiba tuyên bố ủng hộ tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài hơn để bổ sung khoảng trống thiếu hụt nhân lực.

Trước đây, Nhật áp dụng chính sách chỉ cho phép người nước ngoài làm việc trong một vài năm và nhận lương thấp hơn đáng kể so với đồng nghiệp bản địa. Do đó, nhiều lao động nước ngoài đã nghỉ việc vì chính quyền thiếu hệ thống hỗ trợ và ít cơ hội thăng tiến trong công ty.

Theo Reuters, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hồi đầu tháng 7 ước tính 5,91 triệu người nước ngoài sẽ làm việc tại Nhật Bản vào năm 2040, thiếu gần một triệu so với số cần thiết để duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm 1,24%.

Chênh lệch về cung - cầu lao động nước ngoài đã tăng gấp đôi so với ước tính năm 2022 của JICA, sau khi các nhà nghiên cứu cập nhật dữ liệu từ các nền kinh tế đang phát triển và có lượng người đi xuất khẩu lao động lớn như Việt Nam, Myanmar, Campuchia. Số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần trong 15 năm qua, lên 2,05 triệu người, tương đương 3% lực lượng lao động, tính đến tháng 10/2023.

Ba công nhân Việt Nam tại nhà máy đóng tàu Innoshima Tekko ở Onomichi, tỉnh Hiroshima, năm 2023. Ảnh: Asahi

Chính phủ Nhật đã mở rộng thị thực lao động sang một số lĩnh vực lao động chân tay và lao động có tay nghề, do quan điểm của xã hội đối với lao động nhập cư cởi mở hơn.

Tuy nhiên, đồng yên suy yếu, mức lương thấp và các vấn đề về quyền của người lao động khiến Nhật Bản cần nỗ lực hơn để duy trì năng lực cạnh tranh với những quốc gia khác trong việc thu hút người nhập cư.

Theo bà Hashimoto, chuyên gia RIETI, Nhật Bản bắt đầu đưa ra nhiều chính sách hơn để người nước ngoài định cư dài hạn, nhưng vấn đề là các công ty thiếu kinh nghiệm phát triển các quy định liên quan dựa theo chính sách đó.

"Nhật Bản đã đóng cửa quá lâu. Các chính sách nới lỏng mới chỉ có hiệu lực trong 3-5 năm", bà nói.

Một số doanh nghiệp đang bắt đầu đưa ra chính sách như tăng lương, hỗ trợ thị thực và dạy tiếng, những phương thức cần thiết để giữ chân người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn có một số công ty giữ quan điểm "lao động nước ngoài chỉ là bài toán tạm thời", bà nói.

Hồng Hạnh (Theo Reuters, Business Standard)

Tin liên quan
Tin Nổi bật