Trẻ xuất hiện tình trạng chảy máu và tiết dịch nhầy âm đạo màu vàng từ hai tháng trước. Gia đình đưa trẻ đi thăm khám, điều trị nhiều nơi nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại. Gần đây, tình trạng bệnh của bệnh nhi nặng hơn, khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ nghi ngờ trẻ có dị vật âm đạo.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã nội soi và thực hiện gắp dị vật ra khỏi âm đạo cho bệnh nhi, là 3 mảnh bông gòn, kích thước 2 cm. Sau khi được bác sĩ lấy dị vật, bơm rửa, tình trạng sức khỏe của trẻ đã ổn định và xuất viện. Hiện, không rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Ngày 23/10, ThS.BSCKII Vũ Xuân Hoàn, Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết từ năm 2023 đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 3 trường hợp dị vật âm đạo ở trẻ, là mảnh chiếu trúc, cục pin và mảnh bông gòn.
Đối với dị vật âm đạo, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm vùng sinh dục. Tình trạng này kéo dài có thể tạo các ổ mủ nằm sâu rất khó chữa. Thậm chí nếu để lâu ngày, có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ sau này.
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3-5 tuổi thường thích khám phá thế giới xung quanh, đặc biệt trẻ thích khám phá bản thân, cơ thể của mình nhưng chưa lường trước được nguy hiểm. Trẻ thường nhét dị vật vào vùng sinh dục một cách không có chủ ý. Vì thế, gia đình cần chú ý đến trẻ, dặn dò trẻ không được nhét dị vật vào cơ thể mình.
Khi thấy trẻ có tình trạng chảy máu và dịch nhầy bất thường ở âm đạo, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Lê Nga