Hút thuốc lá gây ra các tác động lâu dài đến sức khỏe và có mối liên hệ chặt chẽ với ung thư. Ngoài ung thư phổi, những chất độc hại trong thuốc lá có liên quan trực tiếp đến nhiều loại ung thư, bao gồm cả ung thư thận. Tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào thận, loại ung thư thận phổ biến nhất. Nguy cơ tăng lên theo lượng thuốc tiêu thụ và giảm dần theo thời gian nếu ngừng hút thuốc.
Hội Thận Quốc gia Mỹ cho biết hút thuốc ảnh hưởng đến cách cơ thể hoạt động, cuối cùng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư. Thuốc lá có thể làm chậm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng, bao gồm thận. Đặc biệt với người bệnh thận, chức năng của cơ quan này vốn đã suy giảm. Khi hút thuốc, phổi hấp thụ nhiều hóa chất gây ung thư trong khói thuốc lá vào máu. Vì thận làm nhiệm vụ lọc máu, nhiều hóa chất trong số này tích tụ ở thận. Một số hóa chất có thể làm tổn thương tế bào thận khiến chúng trở thành tế bào ung thư.
Người mắc các bệnh mạn tính khác như tiểu đường, cũng có nguy cơ bị tổn thương thận nếu họ hút thuốc. Hút thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị tăng huyết áp. Trong khi cao huyết áp là có thể dẫn đến bệnh thận.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ung thư thận. Ảnh: Linh Đặng
Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về người hút thuốc mắc ung thư thận, nhưng có những bằng chứng cho thấy đây là tác nhân trực tiếp gây ung thư. Một nghiên cứu năm 2021 đăng trên Tạp chí Ung thư Quốc tế điều tra về khả năng mắc ung thư ở độ tuổi 80, bao gồm người hút thuốc và người không hút thuốc. Kết quả đến độ tuổi 80, 48,3% người hút thuốc mắc ung thư so với 41,1% nhóm không hút thuốc. Theo một nghiên cứu năm 2023 tại Nga, khoảng 15-20% bệnh nhân ung thư thận là người thường xuyên hút thuốc.
Với người bệnh ung thư thận, bỏ thuốc lá không chỉ cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Nghiên cứu cho thấy ở nhóm người hút thuốc lá, tỷ lệ bệnh tiến triển nặng và tử vong cao hơn so với nhóm đã bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, khả năng cải thiện của người bệnh còn phụ thuộc vào các tình trạng sức khỏe khác, giai đoạn ung thư và phương pháp điều trị.
Các yếu tố nguy cơ khác làm tăng nguy cơ ung thư thận là tuổi tác, mắc bệnh thận giai đoạn cuối, béo phì, tiền sử gia đình bị bệnh. Ung thư thận giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể bao gồm sốt kéo dài không do nhiễm trùng, máu trong nước tiểu, đau lưng dưới ở một bên không do chấn thương, có khối u ở một bên lưng dưới, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân, thiếu máu.
Ung thư thận thường có thể chữa khỏi nếu chưa di căn đến các bộ phận xa của cơ thể. Theo ACS, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm lên tới 93% nếu ung thư chỉ giới hạn ở thận, 71% nếu ung thư chỉ giới hạn ở khu vực xung quanh và giảm còn 15% nếu ung thư di căn đến mô xa.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp