Khi nào cần phẫu thuật viêm tai xương chũm?

31/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Về Tai Các Bệnh Sức Khỏe Tai Mũi Họng
Khi nào cần phẫu thuật viêm tai xương chũm?

Trả lời:

Xương chũm là một khối xương nhỏ, lồi, nằm ngay ở phía sau vành tai, có thể sờ thấy. Về mặt giải phẫu, xương chũm nằm sau xương thái dương, tiếp giáp với nhiều bộ phận khác như não, màng não, mạch máu và các dây thần kinh. Nhiễm trùng các tế bào khí trong xương chũm bao quanh tai trong và tai giữa gây viêm bộ phận này.

Viêm tai xương chũm cấp tính diễn ra trong 5-7 ngày, triệu chứng gồm đỏ phía sau tai, đau, nóng, dái tai sưng. Nội soi cho thấy khối phồng có mủ phía sau màng nhĩ, một số trường hợp màng nhĩ có thể bị thủng.

Trường hợp viêm gây chảy dịch, tái phát liên tục trên ba tháng là viêm tai xương chũm mạn tính. Người bệnh có thể bị mủ ở vùng tai, mức độ đau tăng dần, lan xuống vùng cổ và nửa bên đầu, màng nhĩ đỏ, cảm giác đau tăng khi ấn vào xương chũm. Bệnh tiến triển gây viêm mũi, họng, sốt cao, nôn, co giật, cứng gáy.

Tùy thuộc vào loại và mức độ viêm, bác sĩ có thể điều trị bằng kháng sinh hay phẫu thuật. Nếu viêm tai xương chũm không phức tạp, không biến chứng, có thể điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, chưa cần phẫu thuật.

PGS Trần Phan Chung Thủy (giữa), Cố vấn Trung tâm Tai Mũi Họng, cùng êkíp trong một ca phẫu thuật viêm tai xương chũm. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Khi viêm tai xương chũm mạn tính không đáp ứng điều trị nội khoa, biến chứng nghiêm trọng lan sang các khu vực lân cận như màng não hoặc não, nhiễm trùng nặng trong xương chũm, tổn thương xương và màng nhĩ gây suy giảm thính giác..., người bệnh cần được phẫu thuật để loại bỏ ổ viêm. Bác sĩ phẫu thuật mở xương chũm để loại bỏ phần xương bị nhiễm trùng, làm sạch vùng tai giữa, có thể vá màng nhĩ nếu thủng.

Hậu phẫu, nếu nhiễm trùng được kiểm soát hoàn toàn, các mô nhiễm bệnh được loại bỏ triệt để, khả năng tái phát giảm. Bệnh có nguy cơ tái phát trong trường hợp người bệnh bị tắc nghẽn ống tai, nhiễm trùng tái diễn do viêm tai giữa mạn tính hoặc không điều trị dứt điểm nguồn gốc gây nhiễm trùng. Người bệnh có thể cần uống thuốc đúng chỉ định, giữ vệ sinh tai cẩn thận, tái khám định kỳ.

Bạn bị viêm tai xương chũm tái đi tái lại, để biết có cần phẫu thuật hay không, nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám. Bác sĩ sẽ nội soi tai mũi họng, đo thính lực, chụp CT tai để đánh giá mức độ bệnh và điều trị phù hợp. Không phải trường hợp viêm tai xương chũm nào cũng phải phẫu thuật.

ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy HằngTrưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật