Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/10, Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long cho biết việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đang gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật và tâm lý e dè của một số bộ ngành. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn... đối với các dịch vụ công là vô cùng cấp thiết.
Trên cơ sở này, các cơ quan phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, loại bỏ các quy định phải xin ý kiến thỏa thuận, chấp thuận hoặc ý kiến của cấp trên với những vấn đề đã có tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, hoặc đã được phân cấp, phân quyền.
Ông Long nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt là hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền. Việc xác định rõ ràng nguyên tắc phân cấp, phân quyền sẽ giúp phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp, tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện.
Theo Thứ trưởng Nội vụ, hiện việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng trong phân cấp, phân quyền còn thiếu tính nhất quán, tạo ra những bất cập, như tình trạng "nhiều việc nhỏ cũng phải trình lên Thủ tướng". "Đây là cơ sở để bộ ngành rà soát, đề xuất sửa đổi các luật chuyên ngành để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả", Thứ trưởng Long nói.
Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long trả lời tại họp báo Chính phủ, chiều 7/10. Ảnh: Quang Phúc
Để gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế, ông đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sửa đổi các luật trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính để xử lý các vấn đề vướng mắc, cấp bách, liên quan phân cấp, phân quyền.
Để đảm bảo tính hệ thống và khoa học, các cơ quan cần tuân thủ nguyên tắc tách bạch quy định, không lồng ghép các vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế vào các văn bản pháp luật khác. Việc giao cho Chính phủ quyền phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành sẽ tạo điều kiện để Chính phủ linh hoạt điều chỉnh, phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, ông Long cũng đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, điều chỉnh số lượng biên chế phù hợp để thực hiện hiệu quả việc phân cấp, phân quyền. Cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình khi thực hiện nhiệm vụ được phân quyền.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết năm 2022, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ phân cấp 699 thủ tục hành chính nằm trong các văn bản luật, nghị định, thông tư. Sau hai năm triển khai, đến nay có khoảng 299 thủ tục hành chính được phân cấp tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 43,8%. Hiện nay còn hơn 400 thủ tục hành chính cần phân cấp, sẽ thực hiện trong năm nay và năm sau.
Tại cuộc họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo yêu cầu của hội nghị Trung ương 10 là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". "Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền, không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin cho. Quá trình thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết", Thủ tướng nói.
Theo ông, việc này cần gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới. Tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. "Đã nói làm làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được".
Chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được Thủ tướng nhiều lần nhắc đến. Hồi tháng 9, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, ông Chính yêu cầu "tránh tình trạng bất cứ việc gì cấp dưới cũng lên xin cấp trên, chờ trung ương quyết".