9 năm trước, ông Carter - khi đó 91 tuổi - tổ chức một cuộc họp báo tại Trung tâm Carter ở Atlanta để thông báo bản thân mắc ung thư da ác tính, cực kỳ nguy hiểm. Khối u đã di căn lên não.
Hôm 1/10, cựu tổng thống đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100. Ông hiện là tổng thống sống thọ nhất trong lịch sử nước Mỹ, sau khi cựu tổng thống George H.W. Bush qua đời vào năm 2018 ở tuổi 94. Sự phục hồi kỳ diệu của ông Carter một phần nhờ vào may mắn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng liệu pháp miễn dịch ức chế điểm kiểm soát cũng đóng vai trò quan trọng.
Liệu pháp điểm kiểm soát (checkpoint inhibitor therapies) là một dạng miễn dịch ung thư, nhằm kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tự nhận diện và tiêu diệt tế bào ác tính. Liệu pháp này hoạt động bằng cách loại bỏ tín hiệu ức chế trong hệ miễn dịch, cho phép các tế bào miễn dịch tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả hơn.
"Carter là hình mẫu cho liệu pháp miễn dịch", tiến sĩ Stephen Hodi, Giám đốc Trung tâm Ung thư Dana-Farber Brigham ở Boston, cho biết.
Vào thời điểm đó, liệu pháp miễn dịch vừa được Mỹ bổ sung vào "kho vũ khí" chống ung thư. Theo đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt loại chất ức chế điểm kiểm soát đầu tiên, được gọi chung là ipilimumab. Ông Carter đã được điều trị bằng loại thuốc thứ hai cùng phân nhóm, có tên pembrolizumab. Thuốc chỉ được cấp phép một năm trước khi ông phát hiện mắc bệnh. Hiện nay, pembrolizumab, ipilimumab và các liệu pháp miễn dịch khác là trụ cột chính điều trị ung thư, bên cạnh phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Bác sĩ David Lawson, Viện Ung thư Winship của Đại học Emory, cho biết ông đã điều trị cho Carter bằng pembrolizumab vì ở tuổi 91, cựu tổng thống vẫn còn rất khỏe mạnh và dẻo dai. Trong họp báo ngày 20/8 mới đây, Carter cho biết điều hối tiếc duy nhất trong quá trình điều trị ung thư là ông phải hủy chuyến đi Nepal cùng tổ chức từ thiện Habitat for Humanity.
Theo bác sĩ Lawson, chìa khóa để điều trị cho cựu tổng thống là coi ông như "bất cứ bệnh nhân nào khác". "Điều tốt nhất bạn có thể làm cho một bệnh nhân nổi tiếng là quên rằng họ nổi tiếng. Ung thư không phân biệt điều đó", ông nói.
Cựu tổng thống Carter ngừng dùng pembrolizumab sau 6 tháng, trong khi thời gian thông thường là hai năm. Ông đáp ứng thuốc tốt, vẫn tiếp xúc với nhiều người để tránh suy yếu hệ miễn dịch.
Cựu tổng thống Jimmy Carter chia sẻ về chẩn đoán ung thư trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Carter, Mỹ, tháng 8/2015. Ảnh: Jessica McGowan
Vào năm 2015, giới chuyên gia chưa rõ liệu bệnh nhân ung thư di căn não có thể hưởng lợi từ hình thức này hay không. Nhiều người lo ngại thuốc sẽ gây viêm não, khiến tình trạng của bệnh nhân tồi tệ hơn mà không có tác dụng lên khối u.
Nghiên cứu của tiến sĩ Hodi và những người khác đã chỉ ra rằng, giống như ông Carter, nhiều bệnh nhân bị di căn não từ u ác tính có thể được hưởng lợi từ liệu pháp điểm kiểm soát. Đến nay, tiến sĩ Hodi công nhận liệu pháp miễn dịch pembrolizumab và thuốc ipilimumab là lựa chọn tối ưu.
Tuổi tác không phải là rào cản đối với việc điều trị bằng liệu pháp trên. Tiến sĩ Antoni Ribas, giám đốc Chương trình Miễn dịch Khối u tại Trung tâm Ung thư Jonsso, Đại học California, Los Angeles, cho biết ông đã điều trị bằng chất ức chế điểm kiểm soát cho bệnh nhân ở độ tuổi 96 hoặc 97.
Người lớn tuổi có hệ thống miễn dịch suy yếu. Tuy nhiên, khi thuốc hiệu quả ở độ tuổi cao, các chuyên gia cho rằng hệ miễn dịch của họ vẫn hoạt động suốt đời.
"Việc những người ở độ tuổi 80 và 90 có thể thoát khỏi u ác tính di căn cho thấy hệ thống miễn dịch khá phi thường. Tôi sẽ không đánh giá thấp hệ thống miễn dịch của một người 90 tuổi", tiến sĩ Ribas nói.
Dù vậy, các bác sĩ có xu hướng cho bệnh nhân lớn tuổi "nghỉ thuốc" ngay nếu họ gặp tác dụng phụ. "Nghỉ thuốc" là một thuật ngữ dùng để chỉ việc bệnh nhân tạm ngừng sử dụng thuốc. Lúc này, các bác sĩ có thể đánh giá mức độ hiệu quả của liệu pháp và tìm cách giảm tác dụng phụ. Nhìn chung, chỉ khoảng 5% bệnh nhân gặp tác dụng phụ nghiêm trọng từ liệu pháp. Triệu chứng gồm phát ban da và mệt mỏi giống như cúm - những yếu tố tương đối nhỏ, ít ảnh hưởng cuộc sống.
Ngoài liệu pháp miễn dịch và phẫu thuật gan, ông Carter được xạ trị nhắm vào 4 khối u nhỏ trong não. Tiến sĩ Lawson, tiến sĩ Hodi và tiến sĩ Ribas đều đồng ý rằng ông sẽ không sống quá 6 tháng nếu không có pembrolizumab.
"Tuổi thọ của một người bị di căn gan và não, ngay cả khi đã xạ trị và phẫu thuật, chỉ được tính bằng tháng. Tuy nhiên, chữa bệnh nhắm vào hệ miễn dịch có thể dẫn đến một cuộc sống bình thường", tiến sĩ Ribas nói.
Khoảng một nửa số bệnh nhân mắc loại ung thư da hiếm giống cựu tổng thống Carter đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch, theo nghiên cứu công bố đầu tháng 9 trên Tạp chí Y học New England. Trong số những bệnh nhân sống sót ba năm mà không tiến triển bệnh, nghiên cứu cho thấy, 96% tiếp tục sống thêm 7 năm sau đó, nếu họ được điều trị bằng cả ipilimumab và pembrolizumab.
Thục Linh (Theo USA Today)