Loại vaccine sởi nào tiêm cho trẻ dưới 9 tháng?

30/12/2024
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Vaccine Vaccine Trẻ Em
Loại vaccine sởi nào tiêm cho trẻ dưới 9 tháng?

Trả lời:

Trẻ dưới 9 tháng tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao mắc sởi. Lý do, trẻ chưa đủ tuổi tiêm vaccine và kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền sang qua nhau thai và sữa mẹ giảm dần từ khi đạt 6 tháng tuổi.

Trong bối cảnh ca mắc sởi liên tục tăng tại TP HCM, ngày 6/11, Bộ Y tế phê duyệt tiêm vaccine sởi cho trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn, thay vì đợi đủ 9 tháng như thông thường.

Theo thông tin kê toa từ nhà sản xuất, vaccine sởi đơn MVVAC của Việt Nam và loại MMR II phòng 3 bệnh sởi - quai bị - rubella của Mỹ có thể chỉ định cho trẻ từ tròn 6 tháng đến dưới 9 tháng. Chỉ định này áp dụng tại các địa phương khi có dịch sởi.

Tuy nhiên, mũi vaccine này được xem là mũi chống dịch, không tính vào liệu trình tiêm ngừa sởi, giúp trẻ được phòng ngừa sớm. Sau đó, khi đủ 9 hoặc 12 tháng tuổi, trẻ vẫn phải tiếp tục tiêm ngừa các vaccine có thành phần sởi theo khuyến cáo.

Trẻ nhỏ đang tiêm vaccine sởi tại VNVC. Ảnh: Nhật Linh

Con của bạn ở TP HCM là vùng có dịch và trong lứa tuổi từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, có thể đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn. Trước khi tiêm, bé sẽ được bác sĩ khám sàng lọc đảm bảo không thuộc trường hợp chống chỉ định.

Ngoài tiêm vaccine sớm cho trẻ, cha mẹ, người chăm trẻ, người cao tuổi trong gia đình, cũng cần chủng ngừa để phòng bệnh. Đặc biệt, nhóm người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn... rất cần chủng ngừa.

Gia đình thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh tay, giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ chơi của trẻ, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tránh đến nơi đông người...

Bệnh sởi lây truyền qua giọt bắn đường hô hấp khi ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh hoặc dịch tiết mũi họng. Bệnh nhi có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban... Trẻ nhỏ chưa tiêm vaccine hoặc bị suy giảm miễn dịch, mắc ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh nguy cơ mắc phải các biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, sau khi mắc sởi, trẻ còn gặp phải tình trạng suy giảm miễn dịch, mất kháng thể hoặc giảm kháng thể bảo vệ khiến trẻ dễ bị bội nhiễm các mầm bệnh khác như phế cầu, lao, bạch hầu, ho gà... và gặp phải các biến chứng do chính các tác nhân kể trên gây ra.

Tính đến 7/11, TP HCM ghi nhận 349 trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi từ đầu mùa dịch, chiếm 24% tổng số ca mắc.

Bác sĩ Bạch Thị ChínhGiám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.

Tin liên quan
Tin Nổi bật