Người đàn ông không tin khi bác sĩ chẩn đoán hẹp mạch vành mạn tính

31/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Người Lớn Các Bệnh Sức Khỏe Tim Mạch
Người đàn ông không tin khi bác sĩ chẩn đoán hẹp mạch vành mạn tính

"Nhiều người khen tôi trẻ hơn tuổi nên tôi bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim", ông Nguyễn Văn Sơn nói, thêm rằng nhiều năm nay luôn duy trì lối sống lành mạnh. Chế độ ăn hàng ngày của ông gồm thịt gà, cá, rau xanh, trái cây, các loại đậu, hạn chế ăn thịt đỏ. Mỗi ngày ông đi bộ 30 phút vào sáng sớm, 30 phút buổi chiều. Ông không có bệnh nền, tăng huyết áp nhẹ song hơn 4 năm nay kiểm soát tốt bằng thuốc, giữ ở mức 130-140 mmHg.

Lần này ông Sơn đau thắt ngực hơn 15 phút, lặp lại ba lần, vã mồ hôi, đến bệnh viện địa phương xét nghiệm men tim tăng cao. Sau khi sơ cứu, ông được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ngày 14/11, bác sĩ Dương Thanh Trung, khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, cho biết động mạch liên thất trước của người bệnh tắc hoàn toàn. Nhánh mạch máu chính nuôi tim không thể cung cấp đủ lượng máu cho cơ tim, tình trạng này kéo dài có thể gây suy tim cấp, ngưng tim, vỡ tim.

Bác sĩ Trung cho rằng ông Sơn hẹp mạch vành mạn tính khả năng do tuổi tác, tăng huyết áp, bệnh diễn tiến âm thầm qua nhiều năm. Tuy nhiên ông Sơn phản ứng: "Tôi không tin kết quả này, bởi gia đình không có ai bị bệnh tim, bản thân tôi sống lành mạnh".

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành được chia thành hai loại gồm không thể kiểm soát và có thể kiểm soát. Nhóm không thể kiểm soát gồm tuổi tác, tiền sử gia đình có bệnh tim mạch sớm (có cha hoặc anh em trai trước 55 tuổi, mẹ hoặc chị em gái trước 65 tuổi được chẩn đoán bệnh tim). Nhóm có thể kiểm soát gồm lối sống không lành mạnh, thừa cân béo phì, không kiểm soát tốt bệnh nền...

"Trường hợp ông Sơn, tăng huyết áp là một trong các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim", bác sĩ Trung giải thích. Để điều trị, êkíp nong mạch cho ông trong 30 phút, đặt một stent kích thước 3.5 mm vào lòng mạch, mở rộng nhánh liên thất trước.

Động mạch liên thất trước tắc hoàn toàn (hình A) và sau khi được tái thông dòng máu (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá cơ tim của người bệnh chưa bị tổn thương nhiều, chức năng tim ổn định ở mức hơn 50% nhờ cấp cứu kịp thời. Ông Sơn hết đau ngực ngay sau can thiệp, stent nở trọn áp sát thành mạch, xuất viện ba ngày sau đó.

Bác sĩ can thiệp nong mạch máu tim cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Minh Huyền

Bác sĩ Minh lưu ý bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Bệnh thường không gây ra các triệu chứng rõ rệt cho đến khi diễn tiến nặng, thậm chí biến chứng nhồi máu cơ tim cấp. Tầm soát và phát hiện sớm đóng vai trò tiên quyết trong điều trị bệnh.

Phòng bệnh bằng cách không hút thuốc lá, nên ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm chiên xào, đồ ngọt, thức ăn mặn, đóng hộp và chế biến sẵn. Ưu tiên thức ăn hấp hoặc luộc, trái cây và rau xanh, các loại cá béo, dầu ô liu, thịt nạc... Ngủ đủ giấc, từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm, giữ cân nặng hợp lý (BMI nhỏ hơn 23), hạn chế uống rượu bia, tập thể dục 150 phút mỗi tuần.

Thu Hà

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật