Năm 2021, Lê Văn Thương khi đó 22 tuổi, có hơn một năm làm việc trong ngành tổ chức sự kiện du lịch ở Hà Nội, quyết định Nam tiến. Chàng trai gen Z suy nghĩ TP HCM sôi động, cởi mở, cơ hội việc làm phong phú phù hợp với người trẻ.
"Cú sốc đầu tiên khi vào thành phố là dịch, phong tỏa trong khi tôi chưa kiếm được việc làm", Thương nhớ lại. Để có tiền trang trải chi phí phòng trọ, ăn uống, anh đăng ký chạy xe công nghệ, nhận giao hàng suốt mùa dịch. Vượt qua ba tháng giãn cách, chàng trai Thanh Hóa tự nhủ sẽ gắn bó lâu dài với thành phố.
Anh Lê Văn Thương (trái) trao đổi công việc với đồng nghiệp mới khi chuyển ra Hà Nội. Ảnh: An Phương
Sau Covid-19, Thương tìm được vị trí nhân viên sale ở công ty tổ chức sự kiện với thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, hai năm qua, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm chi phí, công việc của anh không thuận lợi. Không có khách hàng, nhiều tháng chỉ có lương cứng hơn 5 triệu đồng.
"Gặp khách hàng mời ly nước giá bình thường cũng 60.000 đồng. Tiền nhà trọ, ăn uống, gặp gỡ bạn bè... ngốn sạch lương, không có dư", Thương nói, thêm rằng việc tích lũy tiền khi làm việc ở TP HCM quá khó. Giá cả, chi phí tăng nhanh trong khi lương theo không kịp. Thương muốn an cư ở thành phố nhưng nhìn vào thu nhập ì ạch trong khi giá nhà, đất tăng liên tục, anh nghĩ "giấc mơ không bao giờ thành".
"Tôi không có người ruột thịt ở thành phố, bố mẹ xác định không theo con vào Nam. Tết về quê, cuối năm dư đồng nào lại hết vào tàu xe", Thương nói. Sau hơn một tuần suy nghĩ, tháng trước, chàng trai 26 tuổi quyết định quay ngược ra Hà Nội khi bạn bè giới thiệu công việc có thu nhập cao hơn 20% TP HCM. Người bạn cùng phòng quê Trà Vinh, làm nghề thiết kế cũng quyết định hồi hương sau nhiều năm gắn bó với thành phố.
Người lao động ở khu trọ trên đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp. Ảnh: Thanh Tùng
Anh Thương cũng như hàng trăm nghìn người đến từ các tỉnh, thành đã giúp bù đắp nguồn lao động thiếu hụt cho TP HCM, nơi có tỷ suất sinh thấp nhất nước suốt hàng chục năm qua. Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, TP HCM thu hút 11,5% lao động di cư trên cả nước, đứng thứ hai ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (sau Bình Dương với 26,3%). Theo Tổ chức di dân quốc tế IOM, lao động di cư trong nước có đóng góp to lớn vào sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp và đô thị, đặc biệt là TP HCM, trong suốt hai thập kỷ qua.
Tuy nhiên, giờ đây, họ đang rời đi hoặc trong hành trình di cư không chọn thành phố là điểm đến lý tưởng.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết số người nhập cư đến thành phố giảm liên tiếp trong hai năm 2022-2023. Đặc biệt vào năm ngoái lần đầu tiên tỷ lệ phát triển dân số cơ học (được tính dựa trên người di cư đến và rời đi) là 0,68% thấp hơn tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên (được xác định giữa trên số trẻ sinh ra và người qua đời trên địa bàn) đạt 0,74%.
try{try{for(const iframe of document.querySelectorAll("iframe[data-src]")){iframe.removeAttribute("sandbox");iframe.setAttribute("src",iframe.getAttribute("data-src"));}}catch(e){}}catch(e){console.log("error_replace_script",e);}Cụ thể, từ suốt năm 2015-2021, tỷ lệ phát triển dân số cơ học ở thành phố đều cao hơn tự nhiên, có năm gấp hơn 2 lần. Trung bình mỗi năm, TP HCM đón nhận gần 170.000-180.000 dân nhập cư, bổ sung nguồn nhân lực cho thành phố. Nhưng đến năm 2023, với tỷ lệ phát triển dân số cơ học 0,67%, số lượng người nhập cư chỉ khoảng 65.000 người. Tại quận Bình Tân, địa phương có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao nhất thành phố, hai năm qua cũng ghi nhận số người tạm trú trên địa bàn giảm. Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận, năm 2020, dân số toàn quận là hơn 746.200 người, trong đó tạm trú (tức người từ nơi khác đến) là 452.230. Tuy nhiên, đến năm 2023 số người tạm trú còn 346.570, giảm hơn 105.660 người.
Lý giải về việc giảm người tạm trú, bà Dung cho rằng Bình Tân là khu vực giáp ranh nhiều khu công nghiệp, công ty đông lao động nhất thành phố cũng đóng trên địa bàn. Sau những đợt biến động về việc làm, cắt giảm lao động, nhiều công nhân đã rời địa phương.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), hàng chục năm trước TP HCM như thỏi nam châm với lực hút gần như lớn nhất nước bao gồm cả hạ tầng, việc làm, thu nhập, cơ hội, điều kiện tự nhiên... Tuy nhiên, thời gian gần đây lực hút này bị các địa phương khác cạnh tranh gay gắt, thậm chí làm tốt hơn. Trong khi lực hút giảm thì các lực đẩy ở thành phố lại gia tăng như chi phí sinh hoạt đắt đỏ, kẹt xe, những cú sốc của chính sách bảo hiểm xã hội một lần mang đến, doanh nghiệp giảm lao động, việc làm thu hẹp...
Khu trọ ở đường số 7, phường Tân Tạo, quận Bình Tân treo biển cho thuê phòng. Ảnh: Thanh Tùng
Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Năm 2023 TP HCM vẫn là nơi người dân muốn chuyển đến sinh sống nhất (chiếm 21,68% người được hỏi). Lý do người dân muốn đến thành phố vì kỳ vọng tìm được việc làm tốt hơn (chiếm 31,5%), tỷ lệ cao nhất khi so sánh cùng tiêu chí này với 5 địa phương được ưu tiên chọn đến.
Theo chuyên gia, điều này nghĩa là người dân địa phương khác vẫn nghĩ hoặc chọn TP HCM là điểm đến (nhập cư) nhưng những trải nghiệm chưa như kỳ vọng ở thành phố đã khiến họ rời đi (xuất cư). Việc này khiến tỷ lệ phát triển dân số cơ học hai năm 2022-2023 ở thành phố giảm mạnh, tức lực đẩy tại đây ngày càng lớn trong khi các lực hút ngày càng bị xói mòn.
Năm 2022, VCCI và Tổ chức di dân quốc tế IOM khảo sát hơn 1.200 lao động di cư làm việc ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương cho kết quả 15,5% người lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44,6% người lưỡng lự và 39,9% người chưa có dự định.
Lao động tham gia khảo sát hầu hết đã có gia đình, để con cái ở quê, đi làm ăn xa với hy vọng có được thu nhập cao đủ để trả các chi như ăn uống, chăm sóc y tế, giáo dục con trẻ. Tuy nhiên, trong những người có ý định trở về, hơn 38% cho biết thu nhập không đủ trang trải các chi phí. Do đó, khi điều kiện làm việc ở nông thôn khá hơn họ muốn về quê để gần gia đình (chiếm trên 47%).
Theo báo cáo nghiên cứu "Định hướng chiến lược lao động việc làm và phát triển kỹ năng tại TP HCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến 2030", điểm yếu mà TP HCM gặp phải khi thu hút lao động nhập cư hoặc khiến người di cư lưỡng lự đến thành phố là chi phí, mức sống quá cao. Thành phố thuộc nhóm địa phương có sự biến động giá cả cao nhất nước. Trong khi đó, khi tính thu nhập bình quân theo nhân khẩu trong tháng thì nhóm cao nhất gấp 3,5 lần nhóm thấp nhất. Chênh lệch giàu nghèo dễ dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như nhà ở, việc làm, giáo dục, y tế...
Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc làm tốt, cho rằng việc làm, thu nhập là yếu tố hàng đầu khiến lao động di cư đến một địa phương, tiếp đến là môi trường sống, giao thông, giáo dục, y tế, cơ chế quản lý việc làm, chính sách phúc lợi nơi đó.
Kết quả một nghiên cứu về lương đủ sống tại Việt Nam của Viện nghiên cứu Anker (Anker Research Institute) vừa công bố cuối năm ngoái, tiền lương đủ sống ở đô thị như TP HCM phải đạt 8,61 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thu nhập bình quân năm 2023 của người lao động thành phố chỉ 6,51 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước sau Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai. TP HCM chỉ đứng sau Hà Nội xét về mức độ giá cả đắt đỏ.
"Nhóm thu nhập dưới mức đủ sống là lao động phổ thông, công nhân sẽ có xu hướng rời đi trước", bà Ngọc đánh giá. Những lao động vượt lên trên mức thu nhập này nếu không nhìn thấy ở thành phố cơ hội phát triển nghề nghiệp, đời sống như chỗ ở, hạ tầng xã hội được cải thiện... cũng có thể rời đi tìm đến nơi đáp ứng. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển, nhiều ngành đặc thù có thể ngồi bất cứ đâu mà vẫn làm việc được, không nhất thiết phải đến TP HCM.
"Vị trí TP HCM trong lòng người di cư đang bị suy giảm", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nói, thêm rằng nếu chính quyền không có sự ứng phó thì xu hướng ngày càng rõ nét, tạo ra những thách thức cho thành phố khi nguồn lao động đang phụ thuộc vào người nhập cư.
Lê Tuyết