Nguyên nhân gây xuất huyết trong thai kỳ

31/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Mang Thai & Sinh Con Sản Phụ Khoa Sức Khỏe
Nguyên nhân gây xuất huyết trong thai kỳ

BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tùy mức độ xuất huyết trong thai kỳ và các triệu chứng đi kèm có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe. Thai phụ nên theo dõi thay đổi của cơ thể để kịp thời đến bác sĩ khám.

Ba tháng đầu

Thai phụ có thể bị ra máu âm đạo trong 6-12 ngày đầu sau thụ thai. Lượng máu chảy rất ít, kéo dài vài giờ hoặc vài ngày. Một số người không biết mình mang thai vì nhầm hiện tượng này với rong kinh. Quan hệ tình dục cũng có khả năng gây chảy máu do cổ tử cung nhạy cảm hơn trong thai kỳ. Tuy nhiên, một số trường hợp xuất huyết nguy hiểm. Xuất huyết âm đạo kèm đau bụng dưới dữ dội hoặc không còn các triệu chứng nghén thường là dấu hiệu sảy thai trong ba tháng đầu.

Bác sĩ Hưng tư vấn cho thai phụ. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trường hợp thai ngoài tử cung, phôi đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung, thường ở ống dẫn trứng hai bên. Nếu phôi thai tiếp tục phát triển, nguy cơ vỡ ống dẫn trứng, chảy máu dữ dội có thể đe dọa tính mạng của thai phụ.

Viêm nhiễm ở cổ tử cung, âm đạo, âm hộ hoặc lây qua đường tình dục đều có thể dẫn đến chảy máu. Hầu hết trường hợp viêm nhiễm phụ khoa nên được phát hiện sớm để bác sĩ chỉ định điều trị theo phác đồ phù hợp.

Tụ máu dưới màng đệm xảy ra khi máu tích tụ dưới lớp màng bên ngoài túi ối của thai nhi. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường nếu xuất huyết nhẹ. Trường hợp chảy máu kèm đau bụng dưới âm ỉ hoặc dữ dội, chuột rút hoặc cứng bụng nguy cơ dẫn đến sảy thai.

Bác sĩ Hưng cho biết thai trứng là tình trạng ít gặp nhưng có thể gây rong huyết, buồn nôn, nôn dữ dội, bụng lớn rất nhanh... Các tế bào của nhau thai thoái hóa thành những bọc nước, nguy cơ phát triển thành ung thư, lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Ba tháng giữa và ba tháng cuối

Nhau tiền đạo là hiện tượng nhau thai bám tràn qua lỗ trong trong tử cung, che một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, cản trở đường ra của thai nhi khi chuyển dạ. Thai phụ có khả năng bị chảy nhiều máu trong giai đoạn sau của thai kỳ và khi sinh, nguy hiểm tính mạng. Siêu âm định kỳ phát hiện hầu hết trường hợp thai bị nhau tiền đạo. Nếu chẩn đoán nhau tiền đạo trong thai kỳ, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ.

Bác sĩ siêu âm cho thai phụ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nhau bong non thường gây tụ máu ở tử cung kèm đau bụng, đau lưng. Đây là tình trạng nhau thai bong ra khỏi thành tử cung trước hoặc trong khi chuyển dạ, khiến máu tụ lại giữa nhau thai và tử cung. Nhau bong non rất nguy hiểm cho mẹ và bé.

Vỡ tử cung là tình trạng các lớp cơ tử cung bị nứt hoặc rách, làm cho các thành phần bên trong tử cung (bao gồm một phần hoặc toàn bộ thai nhi) bị tống xuất vào ổ bụng. Tình trạng này có thể do đa thai, đa ối, thai quá lớn, tử cung dị dạng, mẹ có vết sẹo mổ cũ ở tử cung... đe dọa tính mạng thai phụ và thai nhi. Các triệu chứng bao gồm chảy máu, đau bụng dưới hoặc đau vị trí sẹo mổ cũ, huyết áp thấp, mạch đập bất thường...

Chảy máu cuối thai kỳ nhiều khả năng là dấu hiệu thai phụ chuẩn bị sinh. Nếu thai phụ bị ra huyết, đau bụng dưới hoặc đau lưng, ra nước bất thường... trước tuần 37, cần đến bác sĩ khám để đánh giá tình trạng chuyển dạ.

Ngọc Châu

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật