Theo KTS Phạm Thanh Truyền (Giám đốc công ty Kiến trúc - Xây dựng - Đào tạo Cát Mộc), nhiều gia đình, đặc biệt là ở khu vực thành thị, không quan tâm hoặc ít có điều kiện chú trọng đến việc bố trí lối thoát hiểm. Với dạng nhà ống được xây san sát nhau, nếu lối thoát hiểm chưa tuân theo quy chuẩn, thi công không đúng kỹ thuật sẽ làm hạn chế việc tiếp cận vào trong và thoát ra ngoài khi có tình huống cấp bách.
Ngay từ khâu thiết kế, gia chủ cần tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, tránh những lỗi dưới đây.
Không đảm bảo mật độ xây dựng nhà
Tùy vào diện tích đất, công trình sẽ được quy định về mật độ xây dựng. Chủ nhà cần đảm bảo thực hiện đúng mật độ đã được phê duyệt, chừa những khoảng trống hợp lý để phục vụ phòng cháy chữa cháy và các tiện ích hàng ngày. Đồng thời, làm đúng những quy hoạch trong khu vực, tránh cơi nới, xây thêm hay lấn chiếm.
KTS ví dụ, theo quy định, một số quy hoạch có khoảng lùi sau của công trình nhà ống là 2 m. Khoảng không gian này rất cần thiết để hỗ trợ cho công tác ứng cứu. Tuy nhiên, người dân thường hay lấn chiếm sau hoàn công để xây cổng, hàng rào... làm khoảng mở trở nên bít bùng, lối thoát hiểm không đáp ứng được yêu cầu an toàn.
Chỉ làm một lối thoát hiểm
Nhà ống thường chỉ có một mặt tiền, cũng là lối thoát nằm ở phía trước. Nếu xảy ra cháy ở mặt sau (khu bếp, nhà kho...) hoặc giữa nhà (không gian thờ), mất điện và khói bụi sẽ khiến người trong nhà khó tiếp cận với đường ra. Còn trong trường hợp cháy xảy ra ở mặt trước, nhà lại không có đường thoát phía sau, gia chủ sẽ gặp bế tắc.
Theo KTS, nhà phải có ít nhất 2 lối thoát, bố trí dựa vào cấu trúc từng công trình. Gia chủ cần hình dung nếu có cháy xảy ra ở khu vực cụ thể trong ngôi nhà thì người bên trong sẽ thoát ra bằng đường nào. Có thể dự phòng trước những lối thoát ở ban công các tầng, tầng mái, lối thông với nhà hàng xóm... để thoát thân khỏi đám cháy nhanh nhất.
Gia chủ có thể bố trí thêm thang thoát hiểm lên mái để có thêm lối thoát khi hỏa hoạn - Ảnh: Cát Mộc Group
Thiết kế không đảm bảo thoát khói
KTS Truyền cho biết, ở nhiều vụ cháy, người dân bị chết ngạt trước khi bị lửa tấn công. Việc xây nhà bít bùng, thiếu hệ thống thoáng khí, lối thoát khói... khiến khí độc trong silicon, nhựa, gỗ... từ trong nhà không thoát ra ngoài, kích thích đám cháy sinh ra khói độc.
Thay vì tối đa diện tích sử dụng, gia chủ nên làm các khoảng nghỉ giữa các không gian nhà, có các khoảng thông tầng... để nhà sáng hơn, thông thoáng, hạn chế ngạt khí khi có cháy xảy ra. Nếu nhà có diện tích lớn, gia chủ có thể cân nhắc bố trí thêm giếng trời để giảm lượng khói độc tồn đọng.
Lắp đặt cửa quá nhiều lớp
Vì lý do an ninh, chống trộm, không ít gia chủ lắp đặt nhiều lớp cửa cho mặt tiền, phòng ngủ, mỗi lớp cửa lại sử dụng từ 2-3 ổ khóa. Với những gia đình kinh doanh ở tầng trệt, số lượng ổ khóa và cửa tăng lên để đảm bảo không bị mất cắp.
Tuy nhiên, theo KTS, khi xảy ra hỏa hoạn, các lớp cửa và khóa thường bị biến dạng do nhiệt độ tăng, khó cạy mở, hoặc gia chủ rất dễ mất bình tĩnh khi mở từng ổ khóa. KTS khuyên gia chủ nên quan tâm đến chất lượng cửa thay vì lắp quá nhiều, hạn chế kiểu khóa cần dùng chìa để mở, sử dụng chốt mở an toàn, trang bị thêm búa, dao cắt kính... để xử lý tình huống nhanh hơn.
Khung bảo vệ an ninh cũng chỉ thực hiện chừng mực, tránh trở thành "con dao hai lưỡi" khi thoát nạn. Ảnh: Cát Mộc Group
Ngoài ra gia chủ phải luôn tuân thủ sử dụng an toàn điện, bếp ga, đồ điện tử, không dùng những thiết bị, linh kiện không rõ nguồn gốc. KTS cho rằng lắp đặt CB chống cháy từ tia lửa điện do đoản mạch cũng là biện pháp hữu hiệu góp phần làm giảm hỏa hoạn.
Bình Nghi