Những người có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

29/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Hô Hấp Thường Gặp Các Bệnh Hô Hấp Sức Khỏe
Những người có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi.

Theo ThS.BS Trần Duy Hưng, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu gây ra COPD là hút thuốc lá. Khói thuốc chứa nhiều hóa chất độc hại gây tổn thương cho các đường hô hấp và mô phổi, dẫn đến viêm mạn tính, suy giảm chức năng phổi. Ô nhiễm không khí, bụi công nghiệp, chất hóa học cũng góp phần khiến bệnh phát triển.

COPD có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ảnh hưởng đến người trên 60 tuổi. Bệnh thường phát triển từ từ qua nhiều năm. Suy giảm chức năng phổi theo tuổi tác, cộng với yếu tố nguy cơ như hút thuốc, góp phần vào sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trong nhóm tuổi này. Người mắc bệnh lý thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin (rối loạn di truyền làm giảm khả năng bảo vệ phổi) cũng làm tăng nguy cơ phát triển COPD.

Bác sĩ Hưng lưu ý COPD có triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn đầu, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh hô hấp khác. Người bệnh phải gắng sức để thở, thở nặng, cảm giác thiếu không khí, kéo dài liên tục. Tình trạng khó thở tăng lên khi gắng sức hay bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Triệu chứng ho hoặc khạc đờm kéo dài khoảng ba tháng là dấu hiệu gợi ý COPD. Người bị nhiễm trùng đường hô hấp tái lại nhiều lần, tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, khói của nguyên liệu, khói bụi nghề nghiệp nên sàng lọc COPD.

Ở giai đoạn muộn, người bệnh có những biểu hiện của suy hô hấp mạn tính như môi, đầu chi tím, có thể có co kéo cơ liên sườn, cơ hõm ức. Một số bệnh nhân có thể có phù chân, các mạch máu hai bên cổ nổi căng khi bệnh nhân nằm. Lồng ngực người bệnh có hình như cái thùng với đường kính trước sau lớn hơn cả đường kính ngang của lồng ngực.

Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân COPD có những dấu hiệu rất kín đáo chỉ có ho húng hắng hoặc đôi lúc chỉ khi phải làm việc gắng sức mới thấy dấu hiệu khó thở. Nhiều trường hợp người bệnh chỉ thấy nhanh mệt hơn khi đi cùng với người cùng tuổi.

Để chẩn đoán COPD, bác sĩ khám lâm sàng, đánh giá triệu chứng cùng tiền sử bệnh lý. Các xét nghiệm hô hấp cơ bản gồm đo chức năng phổi và mức độ tắc nghẽn đường hô hấp. Chụp X-quang phổi và CT có thể được sử dụng để xác định sự thay đổi cấu trúc phổi và loại trừ các bệnh lý khác.

Chụp CT đánh giá cấu trúc và sàng lọc nhiều bệnh lý ở phổi. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Dù COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng điều trị có thể giảm triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh. Bỏ thuốc lá giúp làm chậm bệnh phát triển và cải thiện chức năng phổi. Các loại thuốc giãn phế quản, steroid góp phần giảm viêm và giảm co thắt đường hô hấp.

Trong các trường hợp nặng, oxy liệu pháp có thể được áp dụng khi mức oxy trong máu thấp. Tập thể dục và các chương trình phục hồi chức năng phổi cũng cải thiện sức bền và chức năng hô hấp. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể và quản lý cân nặng.

Phòng ngừa bệnh COPD chủ yếu tập trung vào việc giảm các yếu tố nguy cơ. Ngừng hút thuốc lá là biện pháp quan trọng nhất. Mỗi người nên giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí, bụi, bảo vệ phổi bằng cách đeo mặt nạ khi tiếp xúc với bụi hoặc hóa chất độc hại tại nơi làm việc, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.

Khuê Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật