Dự án thử nghiệm nuôi thương phẩm hải sâm cát tại xã Nhơn Hải do Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn và Hợp tác xã dịch vụ du lịch thủy sản Nhơn Hải thực hiện. Hơn 3.000 con giống mua từ Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung được thả xuống mặt nước biển 1.000 m2, xung quanh khoanh lưới để bảo vệ hải sâm lúc còn nhỏ trước các loài thiên địch.
Sau 3 tháng nuôi, hải sâm cát đã tăng trưởng từ 4-6 cm lên 9-11 cm, và nặng từ 6-7 gam lên 81-107 gam. Ông Nguyễn Văn Sáng, người trực tiếp nuôi hải sâm, nói quá trình chăm sóc tương đối đơn giản và ít rủi ro dịch bệnh. Dự kiến đến tháng 12 người nuôi có thể thu hoạch bán thương phẩm. Với giá xuất khẩu dao động từ 200-400 USD (5-10 triệu đồng) một kg hải sâm khô, nghề nuôi hải sâm hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Hải sâm sau 3 tháng nuôi. Ảnh: Thảo Chi
Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện là đơn vị duy nhất sản xuất giống hải sâm cát. TS Nguyễn Đình Quang Duy, Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, cho biết bản thân đã kết nối và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất con giống đến thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Trong chuỗi liên kết nói trên, Công ty Hải Sâm Việt Nam - đơn vị sở hữu nhà máy chế biến hải sâm lớn nhất Đông Nam Á, đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân địa phương với giá cố định, đảm bảo đầu ra ổn định và lợi nhuận bền vững cho người nuôi.
TS Duy đánh giá vùng biển Nhơn Hải với điều kiện lý tưởng như sóng yên và nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, tạo môi trường tuyệt vời cho sự phát triển của hải sâm cát. Kết quả nuôi thử nghiệm ban đầu cho thấy hải sâm cát phát triển rất tốt. So với nuôi trong ao hồ, nuôi trên biển có chi phí thấp hơn nhờ tận dụng môi trường tự nhiên, chi phí chăm sóc và quản lý được giảm thiểu, cho dù tỷ lệ sống thấp vẫn mang lại lợi nhuận.
"Nuôi trên biển chỉ cần 20% tỷ lệ sống là đã có lời", TS Duy nói, cho biết mô hình tương tự đã thành công ở Khánh Hòa và Phú Yên nên có thể áp dụng tại Bình Định nhờ sự tương đồng về biển ở khu vực Nam Trung Bộ. Lợi thế lớn nhất để phát triển nghề nuôi hải sâm cát tại Bình Định là Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất giống và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm hải sâm cát.
Hải sâm được nuôi trong lồng dưới biển lúc nhỏ để tránh bị các loại thiên địch ăn. Ảnh: Thảo Chi
Lãnh đạo Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn cũng đánh giá mô hình này có thể nhân rộng trong tương lai. Ngoài mục tiêu lợi nhuận, Hợp tác xã dịch vụ du lịch thủy sản Nhơn Hải đang kết hợp nuôi hải sâm với du lịch sinh thái biển, tạo mô hình kinh tế mới. Cách làm này phù hợp với chủ trương của ngành thủy sản, với định hướng thu hẹp việc đánh bắt xa bờ để chuyển đổi nghề.
Hơn nữa, hải sâm cát còn mở ra tiềm năng lớn cho ngành dược phẩm tại Bình Định. Dược sĩ Nguyễn Thị Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Công ty cổ phần dược - trang thiết bị y tế Bình Định), cho biết sẽ xem xét đưa hải sâm vào kế hoạch nghiên cứu và phát triển trong thời gian tới. Trước đó công ty đã gặt hái được những thành công đáng kể với việc sản xuất thực phẩm chức năng từ hàu và sụn cá mập.
Hải sâm cát (Holothuria scabra) là loài thân mềm, sống ở vùng nước nông ven biển, có giá trị dinh dưỡng cao. Từ xa xưa hải sâm được coi là một trong "tứ đại danh thái" của ẩm thực cổ truyền phương Đông. Ngày nay loài này được dùng trong y học. Do thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, hải sâm được nuôi ghép với các loài tôm, cá khác.
Thảo Chi - Phạm Linh