Polyp tử cung là những khối u nhỏ, dễ vỡ, phát triển từ lớp tuyến, mô đệm nội mạc tử cung, xuất hiện đơn độc hoặc thành nhóm ở bất cứ vị trí nào trong lòng tử cung. Khối polyp có thể hình tròn hoặc hình bầu dục, kích thước từ vài milimet đến vài centimet. Tùy vị trí mạch máu bị tổn thương, khối polyp có thể có màu đỏ hoặc trắng xám.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Vinh, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nguyên nhân gây polyp tử cung vẫn chưa thể xác định rõ. Yếu tố nguy cơ thường gặp là gia tăng nồng độ và tác động của hormone estrogen, gây mất cân bằng nội tiết tố nữ. Vì thế, polyp hầu như không hình thành trước khi có kinh nguyệt mà hay gặp ở phụ nữ tuổi sinh sản, mãn kinh (khoảng 40-50 tuổi), ít gặp ở người dưới 20 tuổi.
Polyp tử cung có nguy cơ tăng kích thước lẫn số lượng ở phụ nữ béo phì (BMI từ 30 trở lên), tăng huyết áp, mắc hội chứng Lynch hoặc Cowden, điều trị liệu pháp hormone thay thế có chứa estrogen... Một số yếu tố nguy cơ khác như quan hệ tình dục không an toàn, tiền sử viêm nhiễm phụ khoa hoặc tử cung bị nhiễm trùng mạn tính nhưng không điều trị triệt để. Nạo phá thai không an toàn làm sót nhau thai trong tử cung, tắc nghẽn mạch máu gần cổ tử cung cũng là nguyên nhân.
Nguy cơ polyp tiến triển ung thư cao ở phụ nữ mãn kinh, số lượng polyp nhiều và kích thước tăng bất thường (đường kính trên 2 cm), tiền sử gia đình mắc ung thư tử cung hoặc buồng trứng. Một số polyp bị hoại tử hoặc viêm nhiễm lan rộng ra nội mạc tử cung, cơ tử cung có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung. Lúc này, người bệnh có thể đau nhiều vùng chậu, khó thụ thai, dịch tiết âm đạo có mùi hôi kèm máu, mủ.
Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ siêu âm, chỉ định soi tử cung, sinh thiết mẫu mô từ polyp, xét nghiệm Pap test để chẩn đoán phân biệt polyp cổ tử cung lành tính với các tổn thương tiền ung thư như loạn sản, và ung thư.
Theo bác sĩ Vinh, polyp tử cung lành tính có thể tự biến mất. Nếu nữ giới còn trong độ tuổi sinh sản, polyp không gây triệu chứng thì theo dõi định kỳ thay vì can thiệp điều trị. Trường hợp polyp gây triệu chứng chảy máu bất thường ở phụ nữ đã mãn kinh, polyp ảnh hưởng thai kỳ hoặc làm giảm khả năng sinh sản... có thể điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Điều trị nội khoa bằng một số thuốc nội tiết tố góp phần cải thiện các triệu chứng.
"Cắt bỏ polyp bằng nội soi giúp giảm khoảng 75-100% triệu chứng, cải thiện khả năng thụ thai, phòng tránh nguy cơ polyp hóa ung thư", bác sĩ Vinh nói. Sau khi cắt, bác sĩ gửi mẫu đến phòng xét nghiệm để kiểm tra tế bào ung thư và điều trị phù hợp cho người bệnh. Người bệnh bị nhiễm trùng kèm theo được dùng thêm thuốc kháng sinh, chống viêm. Bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ nội mạc tử cung để ngăn chặn sự phát triển của polyp cho phụ nữ không có kế hoạch sinh thêm con.
Bác sĩ Vinh lưu ý một số polyp có thể bị nhầm lẫn với các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung trong giai đoạn đầu. Phòng ngừa polyp bằng cách tiêm vaccine HPV, duy trì lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn. Khám phụ khoa định kỳ ít nhất 6 tháng một lần và làm xét nghiệm Pap theo chỉ định của bác sĩ. Phụ nữ có polyp tử cung cần được theo dõi thường xuyên và trao đổi với bác sĩ phụ khoa để điều trị sớm khi cần thiết.
Trịnh Mai