Chiều 23/10, nhiều đoạn ở các nút giao có lượng giao thông qua lại lớn như ngã ba Bến Gỗ, nút giao Cổng 11 (TP Biên Hòa) xuất hiện nhiều đoạn hư hỏng. Các xe đi qua đây phải tìm cách tránh những vũng nước giữa đường đề phòng nguy hiểm... Cách nơi đây khoảng 50 km, đoạn quốc lộ 51 giao với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (Bà Rịa - Vũng Tàu) và trước một số khu dân cư thuộc thị xã Phú Mỹ mặt đường cũng xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng, rạn nứt, vạch sơn phân làn bị mờ, thường ngập khi mưa.
Quốc lộ 51 qua Ngã tư Bến Gỗ, TP Biên Hòa xuống cấp, hư hỏng nặng sáng 23/10. Ảnh: Phước Tuấn
Quốc lộ 51 là tuyến huyết mạch kết nối 3 tỉnh thành Đông Nam Bộ là TP HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đường bị quá tải và xuống cấp, từ năm 2009, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) được giao thực hiện dự án BOT mở rộng 72 km trên quốc lộ, tổng đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, khai thác từ tháng 4/2013. Thời gian thu phí dự kiến 20 năm 6 tháng và kết thúc vào 12/1/2030.
Tuy nhiên, lưu lượng xe trên tuyến tăng cao (trung bình 30.000-40.000 lượt mỗi ngày, gấp 3 lần lưu lượng dự tính) khiến việc thu phí thay đổi theo chiều hướng kết thúc sớm so với phương án tài chính trước đó. Từ 13/1/2023, đường đã tạm dừng thu phí theo yêu cầu của Cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải). Ngay sau đó chủ đầu tư "tố" Bộ Giao thông Vận tải vi phạm hợp đồng được ký kết giữa bộ này và BVEC năm 2009. Đơn vị này cũng thông báo ngưng duy tu, bảo trì tuyến đường do "không còn thu phí".
Hướng tuyến quốc lộ 51. Đồ họa: Đăng Hiếu
Cục Đường bộ sau đó lý giải việc sớm dừng thu phí do dự án khi triển khai có một số điều kiện thay đổi như chi phí đầu tư quyết toán, lãi vay, mức thu, số thu, lưu lượng xe, thời gian thu phí tạo lợi nhuận... Đến nay đơn vị đã tiến hành 19 phiên đàm phán với nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ để giải quyết vướng mắc, song chưa đi đến đồng thuận.
Sự "dùng dằng" nói trên, chưa xác lập được "chủ sở hữu" đã khiến cung đường huyết mạch nối các tỉnh Đông Nam Bộ gần 2 năm qua liên tục xuống cấp, dẫn tới hay ùn tắc, trở thành nỗi ám ảnh của giới tài xế khi đi qua. Chính quyền Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều lần hối thúc Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân. Đồng thời các đơn vị liên quan cần duy tu, sửa chữa đường để đảm bảo an toàn giao thông qua địa bàn.
Hư hỏng trên quốc lộ 51, đoạn gần Khu du lịch Sơn Tiên (TP Biên Hòa), hiện đoạn này đã được sửa chữa hôm 10/10. Ảnh: Phước Tuấn
Mới đây Khu Quản lý đường bộ IV phối hợp BVEC chi 11 tỷ đồng sửa chữa những đoạn quốc lộ xuống cấp, tuy nhiên vẫn còn nhiều đoạn đường lồi lõm, không đảm bảo an toàn. Theo thống kê của đơn vị này, toàn tuyến có khoảng 186.000 m2 mặt đường hư hỏng cần sửa chữa và 6.900 m2 vạch sơn bị mờ.
Để giải quyết dứt điểm vướng mắc nói trên, hồi tháng 9, Cục Đường bộ xin ý kiến từ Bộ Giao thông Vận tải về phương án xử lý và đề nghị giao Cục Đường cao tốc cùng tổ rà soát thực hiện. Theo Cục Đường cao tốc, các tồn tại chính của dự án hiện chủ yếu liên quan phí bảo toàn vốn chủ sở hữu 8,7%/năm và thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm cho nhà đầu tư chưa được thống nhất. Điều này dẫn đến dự án sau khi dừng thu phí, việc xác lập quyền sở hữu toàn dân không được Bộ Tài chính chấp thuận vì chưa đủ cơ sở pháp lý.
Việc thu phí đã kết thúc song trạm thu phí T1 qua TP Biên Hòa chưa được tháo dỡ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, hiện trên tuyến còn trạm thu phí T2 (huyện Long Thành) và T3 (thị xã Phú Mỹ) ở tình trạng tương tự. Ảnh: Phước Tuấn
Nhằm tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm ảnh hưởng hiệu quả xử lý công việc, Cục trưởng Đường cao tốc Lâm Văn Hoàng đề nghị các bên liên quan thực hiện đúng thẩm quyền, sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án. Trong đó, Cục Đường bộ với vai là cơ quan ký hợp đồng và quản lý trong giai đoạn khai thác dự án cần tiếp tục làm việc, đàm phán với BVEC xử lý vướng mắc. Ngoài ra, tuyến đường đang tạm dừng thu phí nên Cục Đường bộ cần làm việc với nhà đầu tư, xác định trách nhiệm bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Phước Tuấn - Gia Minh - Trường Hà