Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 14/8 ra phán quyết cho rằng ông Srettha Thavisin đã vi hiến vì bổ nhiệm người không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức vào vị trí bộ trưởng trong nội các và phế truất ông khỏi vị trí thủ tướng. Quyết định được đưa ra chưa đầy một năm sau khi ông Srettha lên nắm quyền.
"Tôi tôn trọng phán quyết. Tôi xin tái khẳng định rằng trong gần một năm đảm nhiệm cương vị thủ tướng, tôi đã cố gắng hết sức để lãnh đạo đất nước", ông Srettha, 61 tuổi, phát biểu trước báo giới. Ông thêm rằng thủ tướng lâm thời đang từ nước ngoài trở về Thái Lan và tin "còn nhiều người tài năng có thể tiếp nối công việc".
Srettha là thủ tướng Thái Lan thứ tư bị Tòa án Hiến pháp phế truất trong 16 năm qua. Nguồn cơn bê bối pháp lý ông phải đối mặt là quyết định bổ nhiệm Pichit Chuenban làm bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng trong cuộc cải tổ nội các hồi tháng 5.
Ông Srettha Thavisin phát biểu tại Bangkok, Thái Lan ngày 14/8. Ảnh: AP
Pichit được coi là luật sư thân tín nhất của gia đình cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhà sáng lập đảng Pheu Thai. Ông cùng hai đồng nghiệp là nhóm luật sư đại diện cho Thaksin cùng vợ cũ Potjaman Na Pombejra trong vụ án bị cáo buộc lạm quyền khi còn tại vị năm 2003.
Toàn án Thái Lan khi đó tuyên ông Thaksin hai năm tù vì đã để bà Potjaman được ưu tiên mua hơn 5 hecta đất ở khu vực Ratchadaphisek từ Quỹ Phát triển Các tổ chức tài chính (FIDF) của ngân hàng trung ương Thái Lan với giá rẻ.
Luật sư Pichit bị kết tội khinh thường tòa án và lĩnh án 6 tháng tù năm 2008, sau khi cùng hai đồng nghiệp tìm cách hối lộ các quan chức Tòa án Tối cao bằng cách đặt hai triệu baht vào một hộp cơm trưa. Hội đồng Luật sư Thái Lan đình chỉ giấy phép hành nghề của Pichit trong 5 năm.
Trong cuộc cải tổ nội các 3 tháng trước, Thủ tướng Srettha, thành viên đảng Pheu Thai, quyết định bổ nhiệm Pichit vào nội các, cho rằng ông này đủ tiêu chuẩn làm bộ trưởng, dù một số nhóm đối lập đã lên tiếng phản đối.
Thủ tướng Srettha khi đó nói rằng Văn phòng Hội đồng Nhà nước đã thẩm tra và phê duyệt lý lịch của Pichit, khẳng định ông này đủ điều kiện tham gia nội các và ông "không lo lắng" về vấn đề này.
Nhưng đến ngày 17/5, nhóm 40 thượng nghị sĩ đệ đơn kiến nghị Tòa án Hiến pháp xem xét tư cách đạo đức của ông Pichit và phế truất ông Srettha.
"Pichit không đủ tiêu chuẩn để làm bộ trưởng, nhưng thủ tướng vẫn bổ nhiệm ông ấy", thượng nghị sĩ Derekrid Janekrongtham nói. "Hành động của thủ tướng do đó có thể đã vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức".
Pichit đã từ chức bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng ngày 21/5, 4 ngày sau khi được bổ nhiệm, động thái được cho là nhằm giúp ông Srettha tránh bê bối pháp lý. Tòa án Hiến pháp ngày 23/5 thông báo nhận đơn kiến nghị, nhưng chỉ xem xét việc bãi nhiệm Thủ tướng Srettha, không truy cứu trường hợp Pichit vì ông đã từ chức.
Ông Pichit Chuenban. Ảnh: Bangkok Post
Srettha bào chữa rằng do là doanh nhân, ông không hiểu rõ các quy định về bổ nhiệm bộ trưởng. Ông vốn là trùm bất động sản mới gia nhập chính trường năm ngoái, trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8/2023, chấm dứt ba tháng bế tắc chính trị ở nước này.
Tòa án Hiến pháp bác bỏ lập luận trên, bởi vụ án Pichit rất nổi tiếng. Tòa kết luận ông Srettha biết rõ ông Pichit có quá khứ tội lỗi nhưng vẫn bổ nhiệm vào nội các. Các thẩm phán lưu ý ông Srettha từng tổ chức họp khẩn hồi tháng 8/2023 để đánh giá trình độ của Pichit.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Phán quyết phế truất ông Srettha cho thấy sự chia rẽ trên chính trường Thái Lan giữa thể chế bảo thủ và các đảng cấp tiến như Pheu Thai hay đảng đối lập Move Forward (MFP). Tòa án Hiến pháp ngày 7/8 đã giải tán MFP, sau phán quyết hồi tháng 1 rằng kế hoạch đề xuất sửa đổi luật khi quân của MFP là vi hiến, tương đương âm mưu lật đổ chế độ quân chủ lập hiến.
Phán quyết này cũng có thể dẫn tới nhiều diễn biến khó đoán định với chính trường Thái Lan, vốn đã chứng kiến nhiều biến động thời gian qua. Quốc hội Thái Lan sẽ nhóm họp trong thời gian tới để bầu ra tân thủ tướng, có thể vào ngày 16/8. Trong thời gian này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Phumtham Wechayacha sẽ đảm nhận cương vị thủ tướng lâm thời.
Trong vài ngày tới, các đảng phái Thái Lan sẽ đề cử ứng viên kế nhiệm ông Srettha. Theo quy định của hiến pháp Thái Lan, ứng viên phải là người từng được đảng của họ đề cử vào vị trí này trước cuộc bầu cử tháng 5/2023.
Giới quan sát cho rằng các đảng phái Thái Lan sẽ thương lượng với nhau, như sẽ rút ứng viên để đổi lấy một vị trí trong nội các. Chủ tịch Hạ viện Thái Lan sau đó sẽ triệu tập cuộc họp để bỏ phiếu chọn tân thủ tướng. Ứng viên đắc cử nếu nhận đa số phiếu, tương đương 247 phiếu trong tổng số 493 nghị sĩ đương nhiệm. Liên minh cầm quyền giữa Pheu Thai và 10 đảng khác đang giữ 314 ghế.
Nếu không ai nhận quá bán phiếu, Hạ viện Thái Lan sẽ tổ chức thêm vòng bỏ phiếu.
Ứng viên tiềm năng hiện gồm Paetongtarn Shinawatra, con gái ông Thaksin, cựu bộ trưởng tư pháp Chaikasem Nitisiri của Pheu Thai, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul của Bhumjaithai - đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền, Bộ trưởng Năng lượng Pirapan Salirathavibhaga của đảng Thai Raksa Chart và Prawit Wongsuwon, cựu tư lệnh quân đội có liên quan hai cuộc đảo chính trước đây ở Thái Lan.
Như Tâm (Theo Bangkok Post, Reuters)