Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Dinh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết đường hô hấp tiếp xúc với mạt bụi, phấn hoa, khói thuốc, lông động vật, virus, vi khuẩn... có thể gây ho. Đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể, song phụ huynh chăm sóc trẻ không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng. Dưới đây là một số sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ ho.
Mặc quá ấm là thói quen của nhiều người chăm sóc, xuất phát từ quan niệm bé bị ho do nhiễm lạnh. Song theo bác sĩ Dinh, thói quen này có thể gây ra tác dụng ngược. Trẻ dễ đổ mồ hôi, nhất là sau khi vận động. Mồ hôi không được lau khô kịp thời làm nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, dẫn đến nguy cơ nhiễm lạnh cao hơn. Nếu phụ huynh ủ ấm bé quá kỹ sẽ khó phát hiện triệu chứng sốt. Trẻ nên mặc quần áo vừa đủ ấm, thoáng mát và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Tránh để trẻ ở những nơi có gió lùa.
Không vệ sinh mũi họng có thể khiến trẻ bị ho dai dẳng, dễ biến chứng viêm tai giữa hoặc viêm phế quản, viêm phổi. Phụ huynh vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm để khai thông đường thở, giảm các triệu chứng ho, khò khè, nghẹt mũi. Nước muối sinh lý nên mua tại hiệu thuốc để đảm bảo nồng độ muối phù hợp, tránh tự pha chế tại nhà. Khuyến khích trẻ đánh răng thường xuyên, ít nhất hai lần mỗi ngày. Nếu trẻ chưa biết đánh răng, phụ huynh có thể vệ sinh răng miệng cho bé.
Trường hợp trẻ bị ngạt mũi, dịch mũi lỏng, cha mẹ có thể lau rửa mũi cho con bằng khăn mềm. Trường hợp dịch mũi nhầy đặc, nên nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý ấm vào mỗi bên mũi. Khi dịch mũi lỏng, nhẹ nhàng day mũi bé để nhầy mũi bong ra. Cha mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi cho bé. Tuy nhiên không nên lạm dụng vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng trực tiếp hút mũi cho trẻ. Nếu dịch mũi đặc nhầy nhiều, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ hút rửa mũi đúng cách.
Nên dùng khăn giấy mềm lau mũi cho trẻ, vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Tránh dùng lại khăn cũ có thể khiến vi khuẩn, virus bám trên khăn xâm nhập trở lại vào cơ thể.
Chăm sóc trẻ bị ho không đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, phải điều trị tại viện nhiều ngày. Ảnh: Hải Âu
Kiêng nước, kiêng tắm rửa do lo ngại trẻ bị nhiễm lạnh. Theo bác sĩ Dinh, tắm rửa đúng cách có lợi cho sức khỏe của trẻ như làm sạch mồ hôi và các chất bẩn trên cơ thể, bé cảm thấy thoải mái, dễ ngủ hơn.
Phụ huynh nên tắm nhanh cho trẻ trong khoảng 5-10 phút bằng nước tắm đủ ấm (khoảng 33-35 độ C). Phòng tắm cần kín gió. Tránh tắm cho bé vào buổi tối do dễ bị nhiễm lạnh. Sau khi tắm nên dùng khăn bông mềm lau khô người, mặc quần áo thoáng mát.
Tự ý dùng thuốc trị ho không phù hợp gây hại đến sức khỏe của trẻ. Hầu hết trường hợp ho ở trẻ là do virus, tự khỏi sau 10-14 ngày. Ở giai đoạn đầu, bé thường ho khan, ho ít. Đến khoảng ngày thứ 3 hoặc 5, bé ho nhiều hơn, có đờm.
Nhiều phụ huynh lo sợ con bị biến chứng viêm phổi nên tự ý mua thuốc cho trẻ, nhất là kháng sinh. Theo bác sĩ Dinh, ho chỉ là triệu chứng, việc dùng thuốc giảm ho chỉ chặn phản xạ ho của trẻ. Trong khi nguyên nhân gây ho hầu hết là do virus, không đáp ứng với thuốc kháng sinh. Lạm dụng thuốc kháng sinh làm tăng tỷ lệ kháng thuốc, khiến trẻ gặp nhiều tác dụng phụ không đáng có.
Một số trường hợp phụ huynh chỉ tin tưởng các bài thuốc dân gian. "Nếu trẻ ho do viêm phổi, co thắt phế quản... không thể chỉ dùng các bài thuốc dân gian mà cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ để tránh biến chứng nặng", bác sĩ Dinh nói. Nếu trẻ ho quá nhiều, khó chịu, quấy khóc, đau ngực, mất ngủ, nôn ói... cần được khám để bác sĩ chỉ định dùng thuốc với liều lượng, thời gian phù hợp.
Kiêng một số thực phẩm như thịt gà, tôm là sai lầm phổ biến của nhiều phụ huynh khi chăm sóc trẻ bị ho. Theo bác sĩ Dinh, trẻ chỉ nên kiêng khi có dị ứng với các thành phần từ nhóm thực phẩm này. Tôm và thịt gà giàu protein, iốt, vitamin A, E, C, B1, B2, B12, phốt pho, đồng, kẽm, magie, canxi, kali, sắt, mangan... Những thực phẩm chế biến từ tôm, thịt gà cung cấp năng lượng cho cơ thể, thúc đẩy trẻ tăng cường miễn dịch.
Nếu trẻ ho nhiều, đau rát họng, biếng ăn, có thể chế biến thực phẩm ở dạng lỏng như cháo, súp, canh với ít dầu mỡ, gia vị, giúp cung cấp chất lỏng, chất điện giải cần thiết. Mẹ chia nhỏ bữa ăn cho trẻ để đỡ bị nôn trớ khi ho. Một số loại trái cây như dứa, lựu, lê, bưởi, cam quýt có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, cải thiện ho và đau rát họng. Bé trên 12 tháng tuổi có thể sử dụng mật ong pha nước ấm để làm dịu cơn ho.
Không vệ sinh không gian sống cho trẻ tạo cơ hội cho bụi, phấn hoa, lông thú cưng, khói thuốc lá, virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng... bám trên các vật dụng hàng ngày, khiến trẻ bị ho và lâu khỏi bệnh. Không gian sống của trẻ cần đảm bảo đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt. Không hút thuốc trong phòng có trẻ nhỏ. Khu vực nấu ăn nên thoáng khí, sử dụng máy hút mùi, có cửa sổ thông gió.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp