Thi trượt thì sao?

30/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Thi trượt thì sao?

"Học sinh lớp 10 rớt công lập đầy áp lực, có em vì quá thất vọng nên vừa nhận kết quả đã bỏ nhà đi...", hàng loạt những tin tức tiêu cực như vậy xuất hiện đầy rẫy trên các trang mạng xã hội kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm nay.

Ngay lúc này, bên nhà hàng xóm của tôi đang ra rả lời của bà mẹ mắng con: "Trời ơi! Bao nhiêu người vô được cái trường này. Con nói đi giờ mẹ phải làm gì? Hay mẹ ra đường đâm đầu vô xe chết con mới vừa lòng? Mẹ làm gì sai với con hả? Vậy là con có thương mẹ không?". Em học sinh nhỏ đang suy sụp tinh thần vì thi rớt ấy lại tiếp tục chịu đựng sự chì chiết của người mẹ bởi đặt quá nhiều kỳ vọng vào con.

Mấy trăm năm qua, chuyện thi cử lúc nào chẳng có đậu và rớt. Thời phong kiến, để đậu thi Hương, thi Đình, Cử nhân, Thám hoa, Bảng nhãn, Tiến sĩ là rất khó khăn. Học ngày học đêm, dùi mài kinh sử cả đời mà số người đậu mỗi đợt thi vẫn rất ít ỏi. Những cậu Tú, ông Cử của một làng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

>> Tôi bằng lòng nếu con thi trượt lớp 10 công lập

Năm nay, từ tháng 4, chỉ tiêu của các trường THPT cũng đã được công bố rõ ràng: "Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 so với năm ngoái. Như vậy, khoảng 60% học sinh được vào công lập, còn lại vào trường tư, giáo dục thường xuyên và học nghề"; "ở TP HCM, trong hơn 98.000 thí sinh, khoảng 77.300 em trúng tuyển. Số còn lại có thể theo học các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp, cao đẳng nghề"...

Có thể thấy rõ tỷ lệ đậu và trượt từ những thống kê trên. Từ những em học sinh học lực xuất sắc, thì những em học lực trung bình - khá vẫn có khả năng thi trượt rất cao, dù nỗ lực hết sức vì các trường chỉ lấy điểm từ cao xuống thấp. Do đó, việc thi rớt là đã dự báo từ trước.

Như vậy, ngoài việc cố gắng ôn luyện để thi tốt nhất, gia đình và các em học sinh phải bình tĩnh ngồi cùng nhau, bàn bạc về tương lai. Cuộc đời này rất đa dạng, để đến thành công có hàng trăm con đường, kể cả việc học cũng có nhiều cách khác nhau, không học trường này thì học trường khác, không học chính quy thì học nghề, không đến trường thì nỗ lực tự học.

Chúng ta chỉ cần tìm kiếm trên mạng Intrernet hoặc vào nhà sách sẽ thấy có hàng trăm ngàn tư liệu về những tấm gương thành công ở Việt Nam và thế giới, mỗi người một đường hướng khác nhau chẳng ai giống ai ngoài sự kiên trì, nỗ lực, cố gắng vươn lên. Do đó, điều quan trọng là giữ tinh thần cho các em không nản chí, và chuẩn bị sẵn 2-3 kế hoạch dự phòng để lựa chọn sau khi có kết quả.

Ví dụ như con có năng khiếu ngoại ngữ thì có thể học chuyên sâu hơn về ngôn ngữ để đạt IELTS, học tiếp TESOL để đi dạy, hoặc học ngành du lịch làm hướng dẫn viên.... Con khéo tay thì học may, học thiết kế thời trang, có thể trở thành nhà tạo mẫu, một nghề hot hiện nay.

Trường hợp trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa năm nay có hơn 4.300 học sinh tranh 350 suất vào lớp 6. Như vậy, 3.950 em sẽ không đậu vào trường này sẽ tiếp tục học ở những trường khác. Và tôi tin chắc chắn và các em này cũng sẽ có tương lai tốt đẹp, dù không vào được ngôi trường mơ ước.

Một người bạn của tôi cũng đặt kỳ vọng con trai sẽ đậu vào trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa vì từ lớp 1 bé đã học rất giỏi, đạt nhiều thành tích. Hai mẹ con dành hai năm ôn luyện kỹ lưỡng, quyết tâm rất cao. Tiếc là cuối cùng ngoài dự tính, bé quay về học ở trường cấp hai gần nhà.

Nhưng với phong độ của học sinh xuất sắc, bé đã trở thành học sinh tiêu biểu của trường, liên tiếp gặt hái nhiều thành tích. Nhờ đó, lần đầu tiên sau nhiều năm dài, trường có sự phát triển tốt hơn. Người mẹ tự hào con trai trở thành ngôi sao lớn của trường và tinh thần vui vẻ, hạnh phúc trong học tập.

>> 'Nếu trượt cấp ba, con tôi không biết làm gì'

Kết lại bài viết này, tôi xin kể thêm một câu chuyện khác về cô bé hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ chỉ học tới lớp 3, không có tài chính lo cho con đầy đủ. Lên cấp ba, em không đậu vào lớp 10 trường công mà phải học trường nghề. Và dù rất cố gắng em cũng không đủ sức học nổi đại học và phải bỏ dở dang sau hai năm theo đuổi. Tuy vậy, nhờ khả năng lanh lợi, tháo vát, sau sáu năm đi làm, từ một cô bé học việc, em đã tự mở doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh rất tốt trong lĩnh vực du lịch.

Tôi mong rằng, các bậc phụ huynh sẽ bình tĩnh hơn để đồng hành cùng con trên con đường tương lai. Các em học sinh cần hiểu rằng có nhiều cánh cửa, nhiều con đường rộng mở đang chờ đón ở phía trước. Thi rớt lớp 10 công lập không phải là đóng lại cuộc đời của các em, mà chỉ là thử thách nhỏ trên con đường đến thành công.

Ngọc Hân

Tin liên quan
Tin Nổi bật