Thống đốc bị chất vấn 'vì sao ngân hàng chỉ bán vàng, không mua'

29/12/2024
|
0 lượt xem
Kinh Doanh Vĩ Mô
Thống đốc bị chất vấn 'vì sao ngân hàng chỉ bán vàng, không mua'
Mới nhất Cũ nhất 9h30 'An toàn hệ thống tín dụng cần đặt lên trên hết'

Đại biểu Hồ Thị Minh nêu vấn đề, một số ngân hàng chạy xô tăng trưởng tín dụng cũng như khi cấp tín dụng tăng trưởng bất động sản có thể tiềm ẩn rủi ro.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước là làm sao vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vừa phải đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. "An toàn của hệ thống ngân hàng cần đặt lên trên hết và trước hết, bởi nếu hệ thống tín dụng tiềm ẩn rủi ro sẽ có hệ lụy rất lớn với nền kinh tế", bà Hồng nói.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Hoàng Phong

Vì vậy, nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước sử dụng công vụ là hạn mức tín dụng, thực hiện từ năm 2011 đến nay. Đặc thù của Việt Nam là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên có thời kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 30%, có những năm tăng hơn 50%, gây ra hệ lụy và rủi ro với hệ thống ngân hàng. Đơn cử có ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn. Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng hạn mức tín dụng, dựa trên xếp hạng các ngân hàng và khả năng mở rộng của họ. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên cảnh báo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro.

Về tín dụng bất động sản, bà Hồng nhắc lại Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản. Các ngân hàng không cho vay dựa trên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản, mà còn cần căn cứ khả năng huy động nguồn vốn ngắn hạn hay dài hạn. Ngân hàng Nhà nước quy định các nhà băng không được cho vay quá 30% vốn ngắn hạn với các khoản vay trung và dài hạn.

9h15 "Hỗ trợ tín dụng nhưng vẫn phải kiểm soát lạm phát"

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) nói tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 21%. "Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham mưu cho Chính phủ giải pháp thiết thực gì về tín dụng, vốn để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đáp ứng mục tiêu phát triển", bà Nga chất vấn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói Việt Nam có đặc thù nhu cầu đầu tư cho sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn, tín dụng của ngân hàng. Chỉ số dư nợ tín dụng trên GDP hiện nay đã hơn 120%, nên Ngân hàng Nhà nước phải hết sức cân nhắc khi điều hành về tín dụng. Để giải quyết vốn, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ tăng cường vốn cho doanh nghiệp và người dân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội

Vốn cho sản xuất kinh doanh gồm tự có, vay ngân hàng, thu hút trực tiếp, gián tiếp nước ngoài hoặc vay nợ. Nếu doanh nghiệp có khả năng tự vay tự trả vốn nước ngoài cũng có khuôn khổ pháp lý. Bà đề nghị doanh nghiệp và người dân cân nhắc để tìm nguồn vốn phù hợp. Tổ chức cá nhân cũng phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn để được vay, và quan trọng nhất là có khả năng trả nợ.

"Để doanh nghiệp và người dân có khả năng trả nợ, họ phải có dự án kinh doanh, phương án khả thi, đòi hỏi hỗ trợ, giải pháp từ nhiều bộ ngành liên quan như giải pháp về thị trường, tư vấn pháp lý và giải pháp về sản phẩm, bảo lãnh", bà Hồng thông tin. Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng thực hiện giải pháp hỗ trợ tín dụng nhưng vẫn kiểm soát lạm phát.

Cửa hàng tư nhân gặp khó khi chứng minh nguồn gốc vàng

Ông Trần Hữu Hậu, nguyên Bí thư Thành ủy Tây Ninh, nêu thực tế khi thành lập doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh vàng phải chịu trách nhiệm kê khai vốn theo quy định. Nghị định 20 yêu cầu họ phải chấp hành các quy định về chế độ kế toán, lập và sử dụng chứng từ.

Tuy nhiên, thực tế hầu hết cơ sở kinh doanh vàng hiện nay là doanh nghiệp tư nhân được nâng cấp từ các cửa hàng, với thủ tục đăng ký đơn giản. Trong khi đó, nhiều loại vàng, nhất là những tài sản do cha ông để lại, không thể chứng minh được nguồn gốc. Các doanh nghiệp này thường làm theo thói quen vốn có, khiến việc chứng minh nguồn gốc trở nên khó khăn.

Ông đề nghị Thống đốc tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp để tháo gỡ những khó khăn này. Ngoài ra, nhà chức trách cần có sự chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Ông Trần Hữu Hậu, nguyên Bí thư Thành ủy Tây Ninh. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thống đốc cho biết Nghị định 24 quy định rõ trách nhiệm các bộ ngành về hoạt động quản lý thị trường vàng. Lĩnh vực kế toán, chứng từ thuộc trách nhiệm Bộ Tài chính. Bà Hồng nói Ngân hàng Nhà nước ghi nhận, trao đổi với các bộ ngành để có giải pháp phù hợp.

Do câu hỏi liên quan nhiều bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ngân hàng Nhà nước trả lời đại biểu Trần Hữu Hậu bằng văn bản.

9h10 'Không chủ quan với lạm phát'

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thi về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-7,5% có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ hay không, bà Nguyễn Thị Hồng nói, việc điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu là góp phần ổn định giá trị đồng tiền. Biểu hiện của chính sách này thể hiện qua chỉ tiêu lạm phát.

Vì vậy, khi thực hiện chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước xác định mục tiêu là lạm phát. Còn mục tiêu về tăng trưởng kinh tế cũng là một trong những cơ sở để đưa ra mục tiêu về tăng trưởng tín dụng đầu năm. Chỉ tiêu này sẽ được điều hành, có điều chỉnh tùy theo thực tế.

"Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đó đương nhiên phải có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác như đầu tư, thương mại", bà nói.

Trong quá trình triển khai, việc điều hành về lãi suất, tín dụng và công vụ khác cũng được Ngân hàng Nhà nước theo dõi. "Nếu thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát như Quốc hội đề ra thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như đã làm thời gian qua như gói cho vay 145.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà, hỗ trợ 60.000 tỷ đồng ngành thủy sản...

"Tuy nhiên, không được chủ quan với lạm phát. Lạm phát quay trở lại thì chúng tôi sẽ điều chỉnh để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô", bà Hồng cho hay.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi. Ảnh: Media Quốc hội

Hiện Ngân hàng Nhà nước điều tiết tiền tệ hằng ngày qua các phiên giao dịch trên nghiệp vụ thị trường mở. "Mỗi ngày chúng tôi thấy thanh khoản thiếu, sẽ đưa ra và thanh khoản dư thừa, tác động đến yếu tố như là tỷ giá, thì chúng tôi sẽ điều tiết", bà Hồng nói.

Hiện nay, Việt Nam ưu tiên tăng trưởng kinh tế nên chính sách tài khóa mở rộng sẽ có trọng tâm, trọng điểm. Hiện chỉ số nợ nước ngoài, nợ công, thâm hụt ngân sách dưới ngưỡng cho phép khá nhiều. Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng chính sách tài khóa hợp lý để tránh phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ. Bởi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn rủi ro với các ngân hàng.

Theo bà Hồng, hiện nay quy mô dư nợ tín dụng trên GDP Việt Nam là 120% GDP, ở mức cao trong số các nước và WB đã cảnh báo. Vì vậy, nếu Việt Nam tiếp tục dựa vào chính sách tiền tệ thì sẽ tiềm ẩn rủi ro. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm thúc đẩy các phân khúc khác của thị trường tài chính như thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là thị trường giải quyết vốn dài hạn cho doanh nghiệp và người dân.

9h00 "Thị trường vàng rất phức tạp, đầu tư có thể rủi ro"

Tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa nói vấn đề ngân hàng bán vàng miếng mà không mua lại từ người dân là "vấn đề hệ trọng". Thị trường vàng, các doanh nghiệp không mua, dẫn đến người dân phải bán chợ đen. "Vậy tại sao ngân hàng bán lại không mua để thuận lợi cho người dân. Người ta cần tiền thì phải mua lại để họ còn sử dụng, lưu thông", ông nói.

Thống đốc cho biết tổ chức tín dụng thực hiện mua bán vàng theo chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về bình ổn thị trường. Tuy nhiên, vàng thì không như ngoại tệ. Để kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng rất phức tạp. "Tổ chức tín dụng phải đầu tư trang thiết bị, con người để nhận biết, tránh rủi ro khi tham gia bình ổn lại gặp rủi ro về chất lượng vàng", bà Hồng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội

Thống đốc cho biết 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp vẫn có chi nhánh mua bán và địa điểm giao dịch. Việc không mua vàng của người dân có thể do biến động của thị trường vàng rất cao. Giá vàng thế giới tăng cao lại xuống, doanh nghiệp phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro. "Mua giá vàng của người dân ở mức này nhưng đến lúc xuống lại rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo thị trường vàng biến động rất khó lường phức tạp, nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro", bà Hồng nói.

Nợ xấu có xu hướng tăng 

Bà Trần Hồng Nguyên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật quan tâm tới vấn đề nợ xấu. "Thống đốc đánh giá thế nào về nợ xấu, giải pháp nào để giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nếu không giảm được thì việc điều hành tiền tệ gặp khó khăn ra sao?", bà hỏi.

Bà Trần Hồng Nguyên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chất vấn, sáng 11/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận nợ xấu có xu hướng tăng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tới cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng 4,55%, gần bằng mức cuối 2023. Mức này tăng so với mức 2% của 2022. "Đây là thực tế, vì từ 2020 đến nay, Covid-19 khiến người dân, doanh nghiệp khó khăn. Họ bị giảm nguồn thu, không có tiền trả vay ngân hàng nên phát sinh nợ xấu", bà Hồng nói.

Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thẩm định kỹ khả năng trả nợ của khách hàng khi cho vay, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Với nợ xấu hiện hữu, các nhà băng tăng biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ, phát mãi tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Dù vậy, bà Hồng thừa nhận việc này "cũng khó khăn trong bối cảnh hiện tại".

Hệ quả nợ xấu tăng, theo Thống đốc, các nhà băng có giảm thêm lãi suất cho vay khi họ vẫn phải trả lãi tiền gửi khi huy động từ người dân, trong khi đầu ra khách hàng lại không trả được nợ. Tuy nhiên, bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp để hạ lãi suất cho vay, yêu cầu các nhà băng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp, người dân. Thời gian qua, các ngân hàng đã miễn, giảm 50.000-60.000 tỷ đồng lãi suất, nhằm hỗ trợ khách hàng

8h45 Sẽ lập sàn giao dịch vàng 'ở thời điểm phù hợp'

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay thế giới có nhiều nước thị trường phát triển cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu hỏi, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn, sáng 11/11. Ảnh: Hoàng Phong

Bà Hồng cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải. Nhưng cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.

Theo bà Hồng, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

8h40 Nhu cầu mua bán vàng chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp) cho rằng việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước để bình ổn giá vàng được nhân dân người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua. "Nếu người dân muốn bán vàng để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không", ông Hòa đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ vì sao chỉ Hà Nội và TP HCM áp dụng chính sách này mà không thực hiện trên cả nước.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cung vàng miếng ra thị trường, do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh và nhu cầu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đặt vấn đề mua lại.

Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội

Các ngân hàng thương mại Nhà nước trong giai đoạn này chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng. Hiện nay, hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. "Ngân hàng và các doanh nghiệp này vẫn được mua bán vàng bình thường. Chuyện doanh nghiệp mà không mua vàng của cá nhân có thể vì cần cân đối tiền", bà Hồng trả lời.

Về việc chỉ thực hiện chính sách ở Hà Nội và TP HCM, bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc là phải ở địa điểm nào. Bản thân doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá trên nhu cầu ở các tỉnh, thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng.

"Qua tổng hợp từ chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố, nhu cầu mua bán vàng chủ yếu là ở Hà Nội, TP HCM và đô thị lớn. Tỉnh thành trong cả nước hầu như không có hiện tượng giữ vàng hoặc xếp hàng mua vàng", bà Hồng nói.

8h39 Không có quy định cấm cho vay bất động sản 

Nêu câu hỏi với Thống đốc, đại biểu Đỗ Huy Khánh cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản Việt Nam chiếm khoảng 20%, trong khi Trung Quốc có thời điểm cao hơn 30%. "Như vậy, còn dư địa cho vay bất động sản hay không và quan điểm của Thống đốc thế nào?", ông Khánh hỏi.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 11/11. Ảnh: Hoàng Phong

Trả lời, bà Hồng cho biết việc các ngân hàng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào, tỷ lệ bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của họ, dựa trên cơ sở nguồn vốn huy động. Với mỗi người dân huy động từ người dân cho vay với kỳ hạn khác nhau. Có ngân hàng huy động được vốn dài hạn nhưng có ngân hàng chỉ huy động được vốn ngắn hạn, vì vậy nếu cho vay trung và dài hạn thì họ phải cân đối.

Toàn hệ thống tín dụng của Việt Nam tiền gửi huy động đến 80% là vốn ngắn hạn, nên khả năng cho vay tiếp tục thị trường bất động sản phải dựa trên nguyên tắc an toàn, để đảm bảo khi người dân rút tiền thì các ngân hàng có khả năng chi trả. "Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm không cho vay bất động sản", bà Hồng khẳng định.

Sẽ bán ngoại tệ khi thị trường ngoại hối biến động quá lớn

Ông Trần Anh Tuấn, đại biểu TP HCM, chất vấn về giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để giảm lãi suất, nhằm người dân tiếp cận được dễ hơn tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận thị trường tiền tệ quốc tế diễn biến phức tạp. Sau thời gian thắt chặt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng hạ lãi suất, điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đồng USD biến động phức tạp, khi có thời điểm giảm mạnh, từ quý III lại tăng và hiện biến động ở mức cao.

Những diễn biến này, theo bà Hồng đã tác động tới thị trường ngoại hối trong nước. "Việc ổn định tỷ giá, ngoại hối là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra nền kinh tế và nguồn thu có được", bà Hồng nói.

Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đôla hóa, nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn. Tức là tổ chức, doanh nghiệp có ngoại tệ thì không bán, khi chưa cần ngoại tệ, họ đã mua, nên đây là thách thức của điều hành. Dù vậy, bà Hồng nói Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường. Hiện tỷ giá được phép dao động +/- 5%. "Khi thị trường biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân", Thống đốc thông tin.

Sau phần trả lời của Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý các đại biểu hỏi ngắn gọn, không hỏi trùng ý của các đại biểu trước đã hỏi. Việc này nhằm có thêm thời gian để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời được nhiều vấn đề.

Có 3 nội dung mới cập nhật
Tin liên quan
Tin Nổi bật