Nhưng đến cuối ngày không thấy các em, cậu bé 6 tuổi Phạm Văn Tuấn hỏi hết cha đến mẹ. Không ai trả lời, cậu bé chỉ thấy mẹ khóc.
Đó là một ngày giữa mùa mưa năm 1977, gia đình Tuấn đang ở nhờ tại đình Tân Thới, Lái Thiêu, Bình Dương.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, ông Tuấn, 53 tuổi, hiện sống tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM không thể quên hai đứa em Phạm Văn Sơn và Phạm Thị Thủy vì luôn được mẹ nhắc "phải tìm được chúng về".
"Bao nhiêu năm xa các em là từng đó năm mẹ tôi khóc. Trước khi nhắm mắt xuôi tay bà vẫn nhắc", ông Tuấn nói.
Bà Phạm Thị Thủy (Phan Thị Thanh Tiền), đứng đầu tiên bên phải và ông Phạm Văn Sơn (Nguyễn Văn Công), thứ hai, trong cuộc hội ngộ gia đình, cuối tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cha mẹ ông Tuấn vốn là thành viên một đoàn hát cải lương, thường xuyên rong ruổi khắp các tỉnh miền Nam. Năm 1977, đoàn hát tan rã khi đang ở Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Gia đình ông Tuấn bỗng chốc thành những người vô gia cư. Họ xin ở nhờ trong đình Tân Thới, hàng ngày mót lúa, hái rau dại về ăn qua cơn đói.
Trong những ngày cùng cực nhất, người mẹ sinh thêm đứa con thứ tư đặt tên là Phạm Văn Sơn. Đói càng thêm đói, cha ông Tuấn quyết định cho bớt con, hy vọng lũ trẻ có cuộc sống tốt hơn. Hai đứa nhỏ nhất được lựa chọn.
Vài tháng, gia đình rời Lái Thiêu phiêu bạt khắp nơi mưu sinh. Cuối cùng họ dừng chân ở huyện Bình Chánh, TP HCM. Sau này bố mẹ ông Tuấn sinh thêm hai con trai, một người đặt tên là Sơn như cách nhắc nhớ về đứa con 18 ngày tuổi cho đi ngày nào. Người còn lại tên Hải.
Lớn lên lấy vợ rồi sinh con, ký ức về hai đứa em ''bị cho lúc đói khổ" luôn ám ảnh ông Tuấn. 10 năm trước, thấy chồng mỗi lần nhắc lại kỷ niệm là ngồi khóc, người vợ Nguyễn Thị Lệ khuyên nên thử tìm kiếm. Họ nhờ đăng tin lên truyền hình rồi Facebook nhưng không có kết quả. "Khi đó tôi chẳng còn hy vọng. Các em lúc cho đi còn quá bé, sao nhớ được ba mẹ mà tìm về", người anh nói.
Giữa tháng 8 năm nay, bà Lệ vô tình xem được kênh "Tuấn Vỹ- Kết nối yêu thương" trên YouTube nên nghĩ tới việc tìm kiếm các em cho chồng. "Trên đó hoàn cảnh ai cũng giống mình, họ không bỏ cuộc, sao mình lại dừng", bà nói.
Vợ chồng họ đăng câu chuyện của gia đình trên kênh Tuấn Vỹ.
Một ngày sau, ông Tuấn nhận được thông tin về người đàn ông 47 tuổi ở Bình Dương rất có thể là em Sơn. "Tay chân tôi bủn rủn, tim đập thình thịch, còn nước mắt cứ chảy ra giàn giụa", người anh kể lại thời khắc nhận được thông báo.
Trong lúc đó ông Nguyễn Văn Công ở Lái Thiêu đang đi làm được mẹ điện về nhà có việc gấp. Trước đó bà Đặng Thị Kim Hương, 77 tuổi, nghe họ hàng báo tin "có con cháu người trong đoàn hát từng sống tại đình Tân Thới" đi tìm người thân nên quyết định nói hết sự thật.
Vừa nhìn thấy con trai về, bà Hương òa khóc và tiết lộ Công là con nuôi. "Sau này mẹ cũng nhắm mắt xuôi tay, con ở lại một mình cũng nên nhận anh em cho bớt cô quạnh", bà Hương động viên con.
Bà kể, năm 1977 vợ chồng mới chuyển về Lái Thiêu. Nghe tin gia đình hát rong gần đó có ý định cho con nên ông bà tới xin vì đã lấy nhau bốn năm mà chưa đậu thai lần nào.
Đứa trẻ bà Hương nhận nuôi mới mười mấy ngày tuổi. Sau khi để lại cho gia đình hát rong ít tiền và gạo, hai vợ chồng rời đi. Họ nói với hàng xóm thằng bé đỏ hỏn là do mình sinh ra, đặt tên là Nguyễn Văn Công.
Càng lớn, cậu con trai càng thể hiện có năng khiếu âm nhạc, đàn hát. Nhiều lần Công thắc mắc sao gia đình không ai liên quan tới nghệ thuật mà bản thân lại yêu thích văn nghệ, ba mẹ đều lặng yên không nói.
Ông Phạm Văn Sơn (Nguyễn Văn Công) trong ngày hội ngộ gia đình, tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ thông tin của hai gia đình, hai ngày sau ông Tuấn và ông Công được gặp nhau online trên kênh Tuấn Vỹ. Họ hẹn nhau về nhà thắp hương cho ba mẹ cũng như làm xét nghiệm ADN để thêm một lần khẳng định.
Tìm được em trai, ông Tuấn hỏi bà Hương thông tin về người em gái tên Thủy cũng bị cho đi cùng ngày. Nhưng chính bà Hương cũng không biết gì. "Nếu biết gia đình cho đi hai đứa, tôi đã đón cả về nuôi", người phụ nữ 77 tuổi nói.
Video đoàn tụ của ông Tuấn và ông Công đăng lên mạng, được một người phụ nữ Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc chú ý. Người này nhận ra, cô em gái tên Thủy mà ông Tuấn nhắc tới rất giống hoàn cảnh người cô họ tên Thúy (tên khai sinh Phan Thị Thanh Tiền) đang sống tại An Giang. Từ người phụ nữ này, một cuộc kết nối khác của bà Thúy với chương trình "Tuấn Vỹ- Kết nối yêu thương" được thực hiện.
Bà Thúy kể, 47 năm trước được một người phụ nữ từng làm việc trong gánh hát mang về An Giang cho cha mẹ nuôi. Bé gái 3 tuổi năm xưa được đổi bằng 10 kg gạo, quần áo cùng ít tiền. Bố mẹ nuôi bà Thúy cũng không có con. Vì sống ở miền sông nước nên cha nuôi đổi tên con từ Thủy sang Thúy.
Ngày bà Thúy lấy chồng bố mẹ nuôi mới tiết lộ thân phận thật. Sau khi hai người khuất núi, bà Thúy từng đi tìm cha mẹ đẻ nhưng không có kết quả.
Tưởng mọi việc rơi vào ngõ cụt nhưng ngay khi xem video câu chuyện của ông Tuấn, bà Thúy lập tức bắt xe lên TP HCM làm xét nghiệm ADN. Ngày bà đến gặp ông Tuấn cũng là ngày ông Công đoàn tụ cùng gia đình.
Khi thắp hương lên bàn thờ, người phụ nữ vừa mừng vừa lo. Mừng là nếu đúng, bà sẽ tìm lại được cha mẹ anh chị em ruột. Lo là nếu sai sẽ thêm một lần đau đớn.
Từ phải sang: Ông Phạm Văn Tuấn, ông Phạm Văn Sơn và bà Phạm Thị Thủy trong lần đầu tiên gặp mặt nhau sau 47 năm. Ảnh: Tuấn Vỹ
Kết quả thử ADN được thông báo sau kỳ nghỉ lễ 2/9. Bà Thúy khóc như mưa khi biết mình chính là em ruột ông Tuấn. Cùng ngày, ông Công nhận được kết quả tương tự.
Khoảnh khắc đoàn tụ, sáu anh em, người ở An Giang, người ở Bình Dương, số còn lại ở TP HCM đều ôm mặt khóc nức nở. Sau gần nửa thế kỷ xa cách, giờ họ mới có được gia đình trọn vẹn.
"Chúng tôi luôn cảm ơn cha mẹ đã phù hộ để anh em sau từng đó năm vẫn có thể tìm thấy nhau", ông Tuấn nói.
Hải Hiền