Tôi học ít, ngủ nhiều vẫn thi đậu trường chuyên

30/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Tôi học ít, ngủ nhiều vẫn thi đậu trường chuyên

Khi có người nói rằng mình hay con mình không cần học như thế mà vẫn giỏi thì họ lại qua ra giận dỗi, bảo rằng các vị thông minh sẵn rồi, tôi không được như vậy nên phải cố.

Không ai chịu ai, nhưng rốt cục thì các em học sinh có cần phải học như vậy không?

Câu trả lời là không. Các em học sinh cần phải ngủ đủ. Hiệp hội y khoa Mỹ khuyến cáo rằng trẻ em tuổi 6-12 cần phải ngủ 9-12 tiếng mỗi ngày, còn thiếu niên 13-18 tuổi phải ngủ 8-10 tiếng mỗi ngày. Đây là dựa trên các nghiên cứu khoa học sâu rộng, chứ không phải chỉ là "các bạn mà tôi biết thế này, thế kia".

Tôi không được biết điều này khi còn nhỏ và suýt hại mình vì chuyện này. Chả là năm lớp 10, vào trường chuyên, tôi cố gắng quá mức để vừa học hành, vừa tham gia hoạt động đoàn thể.

Để có thời gian học thì tôi chỉ còn cách bớt ngủ. Thật ra tôi chỉ thức tới 11h, buổi sáng, 5h30 phải thức dậy để kịp vào lớp lúc 7h. Ngủ 6h30 phút là không đủ ở tuổi 15, tôi mệt mỏi và học sút đi, cảm thấy rất chơi vơi, bực bội.

Xin nói thẳng luôn là trước đó, vào năm lớp 9, tôi được cho là học giỏi. Ngoài việc có giải thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia thì tôi còn thi đậu vào trường chuyên cấp tỉnh, với những giấc ngủ đầy đặn.

Thế nhưng chỉ vì không biết việc này mà tôi đã khiến mọi việc xấu đi trông thấy. Sau cùng thì tôi đành chấp nhận cắt giảm các thứ khác, trừ ngủ.

Với các em học sinh cấp II, cấp III, thì làm sao để có thể ngủ đủ mà vẫn học được? Việc quản lý và phân bổ thời gian là quan trọng nhất. Cái tiêu tốn thời gian nhất là di chuyển giữa các địa điểm học thêm và học ở trường.

Việc đưa con đi học ở một trung tâm cách nhà chục km là sai lầm lớn nếu nó gây ảnh hưởng tới thời gian có thể dùng vào việc học. Thay vào đó, bạn có thể chọn một nơi gần nhà hơn, bớt thời gian di chuyển và đỡ mệt mỏi hơn.

Việc chọn thầy là một vấn đề khác. Ngoài giờ học bắt buộc trên lớp thì các em luyện thi đại học, thi vào lớp 10 đều sẽ phải đi học thêm. Để nâng cao hiệu quả, chỉ có cách biết mình cần gì và các giáo viên có thể đáp ứng được gì.

Để học được kiến thức làm bài thi, nên chọn một giáo viên gần nhà, giảng bài có thể hiểu được, không cần quá giỏi, bởi vì giáo viên giỏi quá thì sẽ đông học sinh, vào lớp chen chúc rất mệt.

Một vấn đề tế nhị khác là việc có nên học thêm với giáo viên dạy mình trong lớp hay không? Cái này thì cần được nhìn nhận qua lăng kính là liệu mình có cần phải được giáo viên trong lớp dạy thêm để có điểm tốt trong lớp hay không?

Tôi đã trải qua vấn đề tế nhị này và quyết định đi học một giáo viên khác để kiếm kiến thức thi tốt nghiệp, điểm trong lớp thì coi như trông vào sức mình. Cái này hơi khó quyết định nhưng chắc chắn là chỉ nên chọn một trong hai, chọn cả hai thì sẽ không ngủ đủ và sẽ đuối.

Sau cùng, tôi không có nhiều kỷ niệm vui vẻ với bạn bè. Các bạn cấp III đi xe máy sang tỉnh bên cạnh tham quan trường đại học, còn tôi cọc cạch đạp xe tới trường nên đành thua, nhưng nghĩ lại thì cũng có cái hay, dành thời gian đó để học bài, tối ngủ sớm.

Hồi lúc tôi học cấp III, phim Hoàn Châu Cách Cách là nổi nhất, nhưng tôi còn chả biết Tiểu Yến Tử là ai. Cả năm tôi xem được một vài trận đá bóng của tuyển Việt Nam. Chỉ có World Cup, tôi được cha mẹ đặc cách xem vài trận lúc khuya, mà lúc đó vào mùa hè nên không đáng kể.

Học mà không nhớ thì cũng như không, trong khi đó thời gian ngủ thật ra là để cho trí não sắp xếp lại những điều đã học và ghi lại vào bộ nhớ.

Nhiều người cho rằng, vì bạn giỏi nên bạn mới có thể học ít ngủ nhiều như vậy. Nhưng thật ra, các bạn ngủ ít học nhiều nên kết quả mới kém đấy. Nếu các bạn đó biết cách sắp xếp thời gian để có thể ngủ đủ thì học sẽ nhớ nhiều hơn, nhờ đấy lại ít cần thời gian để học hơn.

Bạn có thể tưởng tượng rằng, một ngày học 8 tiếng và ngủ 8 tiếng thì bộ não sẽ nhớ được 80% những gì mình học, tức là số lượng kiến thức nhớ được tương đương 6,4 giờ.

Tuy vậy, nếu bạn học 12 tiếng và ngủ có 4 tiếng thì bộ não không đủ thời gian để ghi lại thông tin, hậu quả là bộ não chỉ nhớ được có 40% số lượng kiến thức, tương đương 4,8 giờ học.

Cách tính này có thể giúp bạn hình dung là vì sao cũng là một người như tôi, học ít hơn ngủ nhiều hơn lại có kết quả tốt hơn là vậy.

Khi đã trưởng thành, tôi lại tiếp tục học, dành thêm 7 năm nữa trên giảng đường đại học và hậu đại học. Tôi được học ở Australia và ở Mỹ, và ở đâu thì các giáo sư đều dành thời gian để dạy bảo chúng tôi về phương pháp học hành.

Gần kỳ thi, giáo sư trường luật dặn chúng tôi rằng, các em phải giữ nguyên lịch ngủ, ăn và tập thể dục trong mùa thi để cơ thể giữ đúng nhịp sinh học, như vậy học bài mới nhớ được.

Sau khi tốt nghiệp trường luật, các tân tiến sĩ luật khoa phải tham dự kỳ thi lấy bằng hành nghề của tiểu bang.

Kỳ thi ở California được xem là kỳ thi luật kinh dị nhất ở nước Mỹ, với tỷ lệ đậu khoảng 50%, và có rất nhiều "nạn nhân" nổi tiếng, bao gồm cả phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Mặc dù tốt nghiệp một trường luật danh giá nhưng bà vẫn rớt kỳ thi này.

Mùa luyện thi kéo dài 3 tháng, nhà trường thiết kế sẵn một khóa học chi tiết cho các sinh viên, tới nỗi họ thuê cả các chuyên gia luyện thi tới tham vấn cho từng người lịch học từng ngày trong suốt 3 tháng. Và lời dặn dò của giáo sư cũng y như trước: các em phải ăn, ngủ, tập thể dục như mọi khi, không thì không đủ sức khỏe để luyện thi.

Không phải ai cũng nghe theo, và một bạn trong lớp đã ngất xỉu vào ngày thi thứ hai vì mệt mỏi, kiệt sức.

Các em học sinh ở Việt Nam cũng vậy, đừng vì sợ hãi mà chạy theo số đông với những trò hành xác căng thẳng. Học hành cũng như làm việc, cơ thể khỏe mạnh mới hiệu quả.

Còn việc thức khuya chỉ có tác dụng làm yên tâm các bậc phụ huynh sốt sắng và làm giảm khả năng ghi nhớ của não bộ mà thôi.

Khanh Huỳnh

Tin liên quan
Tin Nổi bật