Sáng 6/10, triều cường khiến đường Cách Mạng Tháng Tám ở đoạn khu vực trước sân vận động Quân khu 9 ngập sâu gần nửa mét, làm nhiều xe chết máy, người dân bì bõm dắt bộ. Trong khi đó, khoảng một km đường Bùi Hữu Nghĩa dẫn vào chợ Bình Thủy ngập 0,3-0,5 m gần một tuần qua, mỗi khi triều cường dâng lên.
Ngập trên đường Cách Mạng Tháng Tám, sáng 6/10. Ảnh: An Bình
Bà Trần Thị Năm, 60 tuổi, bán quán ăn trước chợ Bình Thủy, cho hay năm nào vào mùa triều cường từ tháng 8-10 âm lịch, tuyến đường này cũng ngập sâu, ảnh hưởng đi lại, buôn bán của các hộ dân ở đây. Người dân nhiều lần kiến nghị chính quyền đầu tư nâng cấp nhưng chưa được giải quyết.
Dọc những đường bị ngập, lực lượng CSGT, dân quân, đoàn thanh niên túc trực để điều tiết, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân đi qua.
Tình trạng ngập ở Cần Thơ do triều cường sông Hậu qua khu vực ở mức 2,06 m (vượt 6 cm so báo động 3). Nước sông dâng cao theo hệ thống kênh rạch tràn vào một số khu vực ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng. Nghiêm trọng nhất là khoảng hai km quốc lộ 91 (đường Cách Mạng Tháng 8, Lê Hồng Phong), Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy ), cồn Khương (quận Ninh Kiều)...
Đường Bùi Hữu Nghĩa ở quận Bình Thủy bị ngập sâu, người dân phải chạy xe trên lề. Ảnh: An Bình
Đài khí tượng thủy văn Cần Thơ cho biết triều cường ở khu vực vượt báo động 3 từ 1-11 cm và kéo dài đến hết ngày mai.
Khác với những năm trước, triều cường năm nay chỉ gây ngập một số điểm trũng thấp hay ở ngoại thành. Theo Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, 13 cống, âu thuyền và hệ thống thoát nước trên 32 đường đưa vào vận hành đã giúp giảm ngập úng vùng lõi trung tâm thành phố với diện tích 2.700 ha (bảo vệ 420.000 dân) trong những đợt nước sông dâng cao.
TP Cần Thơ đang lập dự án xây thêm ba tuyến kè tổng chiều dài hơn 8,2 km cùng 12 cống kiểm soát nước, 6 cống ngăn triều với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, để chống ngập cho hơn 2.800 ha tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy.
Những ngày qua, lũ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường khiến mực nước sông Cửu Long lên nhanh, gây ngập vùng trũng thấp, ven sông, ngoài đê bao tại An Giang, Đồng Tháp, Long An... và các vùng hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long. Tối qua nước sông lên cao làm vỡ đê bao dài 4 m tại ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), ngập 12 ha đất cây ăn trái, ảnh hưởng 40 hộ dân.
Hôm 20/9, cống thuỷ lợi lớn nhất miền Tây là Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) phải đóng một số cửa van để ứng phó lũ và triều cường lên cao.
An Bình