Thời gian qua ông được chẩn đoán viêm bàng quang mạn tính, điều trị bằng thuốc uống, thuốc bơm vào bàng quang rồi uống các bài thuốc dân gian. Tiểu máu tái phát hơn, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 9/10, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết ông Tuấn có nhiều khối u ác tính kích thước khác nhau nằm rải rác xâm lấn sâu xuống lớp cơ bàng quang và di căn sang một số hạch ở vùng chậu. "Đây là nguyên nhân gây tiểu buốt, tiểu máu hai năm qua", bác sĩ Đức nói.
Ảnh chụp MRI cho thấy bàng quang của người bệnh có nhiều khối u ác tính. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Đức, ung thư bàng quang giai đoạn sớm có thể phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang sau đó tạo hình mới từ một đoạn ruột non rồi nối niệu đạo và hai niệu quản vào. Trường hợp ông Tuấn, tế bào ung thư đã xâm lấn sâu vào cơ, di căn đến hạch, cổ bàng quang và niệu đạo. Phương án tối ưu là phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang, nạo vét hết các hạch di căn, rồi dùng ruột non để chuyển lưu nước tiểu từ thận trực tiếp ra ngoài cơ thể qua một lỗ nhỏ ở thành bụng.
Êkíp mổ cho ông Tuấn dưới sự hỗ trợ của hệ thống nội soi 3D Karl Storz 3D/4K bao quát khu vực phẫu thuật, hạn chế nguy cơ chảy máu, rút ngắn thời gian mổ hơn so với hệ thống nội soi 2D. 7 ngày sau phẫu thuật, ông phục hồi tốt, không đau, có thể đi lại bình thường, được xuất viện.
Bác sĩ Đức cho biết do ung thư bàng quang đã di căn hạch, phẫu thuật chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nên ông Tuấn cần hóa trị bổ sung. Người bệnh tái khám định kỳ theo chỉ định và ngưng các tác nhân tăng nguy cơ ung thư bàng quang, nhất là thuốc lá.
Bác sĩ Đức (thứ hai từ trái qua) phẫu thuật nội soi 3D cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN), ung thư bàng quang là ung thư phổ biến thứ 9 trên toàn thế giới và thứ hai trong hệ tiết niệu. Tại Việt Nam năm 2022, có gần 2.000 ca mắc mới và hơn 1.000 trường hợp tử vong vì ung thư bàng quang.
Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ, nhưng người có thói quen hút thuốc lá, từng bị nhiễm ký sinh trùng, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại hay bức xạ... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Theo bác sĩ Hoàng Đức, ung thư bàng quang khó nhận biết bởi các dấu hiệu ban đầu dễ bị nhầm lẫn. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần đi khám sớm khi có triệu chứng tiểu máu từng đợt, tái phát nhiều lần (triệu chứng phổ biến nhất), tiểu buốt, tiểu rắt, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp